Tin tức

Hàm Thuận Bắc: Vì sao các trường THPT thu tiền giữ xe của học sinh!

  • QV
  • /
  • 11.9.2024 - 16:10

Năm học nào cũng có phụ huynh hỏi vấn đề này, có người đăng lên mạng xã hội, thậm chí đến Sở Giáo dục và Đào tạo khiếu nại. Vậy vì sao nhiều trường Trung học phổ thông (THPT) huyện ta nói riêng và tỉnh ta nói chung lại thu tiền giữ xe học sinh, thu có hợp tình và lý không!

Hầu hết, các trường THPT có trên 1.000 học sinh. Trong khi đó nhiều trường tiểu học, THCS chỉ có từ 300-800 em, một phần cha, mẹ đưa đón nên lượng xe đến trường không đáng kể, bảo vệ có thể coi ngó được. Ví như Trường THPT Nguyễn Văn Linh có 1.380 học sinh, giáo viên, nhân viên; Trường THPT Hàm Thuận Bắc có hơn 2.115 học sinh, giáo viên, nhân viên, hơn 100 lượt khách, phụ huynh liên hệ mỗi buổi học. Học sinh, ngoài chính khóa còn học trái buổi như: Thể dục, quốc phòng; hoạt động ngoại khóa, phụ đạo theo nhu cầu; hướng nghiệp.... Tổng số ra vào trong ngày rất lớn, Trường THPT Hàm Thuận Bắc, có hơn 2.000 học sinh, mỗi ngày sẽ có hơn 2.800 lượt người ra vào từ 6g15 đến 19g.

Đa số học sinh THPT đến trường bằng xe đạp, xe đạp điện, xe máy, giá trị xe khá lớn. Các trường THPT thường đứng chân ở thị trấn hoặc khu dân cư đông, khuôn viên trường rộng.... Mỗi trường có ít nhất 2 cổng ra vào xa nhau. Nhiều nơi có phần tử xấu dòm ngó, có trường hợp do chính học sinh lấy xe bạn cầm, bán, chơi game... Trường THPT Hàm Thuận Bắc từng mất 9 xe đạp, lạc 1-2 xe máy trong 1 năm, phải nhờ Công an điều tra. Tìm không thấy xe thì học sinh và phụ huynh sẽ mất tài sản.

Các trường có tối đa 2 bảo vệ (lương từ 3-5 triệu) làm việc từ 6 giờ15 đến 19 giờ là ít nhất. Trưa 11g 30, học sinh học ca sáng về thì học sinh ca chiều đến…, tối chia ca trực đêm. Sau trực đêm, sáng phải nghỉ bù thời gian ngắn.

Có người ý kiến“bảo vệ chỉ cần trực cổng trường là có thể kiểm soát”. Xe giống xe, học sinh giống nhau, nhiều em lại đeo khẩu trang. Ví như, có 600-800 xe người ra, vào trong 30 phút đầu giờ và cuối giờ học làm sao 1-2 bảo vệ kiểm soát được. Vì 1 bảo vệ trực cổng, 1 bảo vệ theo dõi vòng trong, cổng khác... Mặt khác, nhà để xe học sinh nếu hỏng, tiền sửa chửa từ ngân sách thường là không đủ.

Nếu không có người giữ, mất xe thì phụ huynh, học sinh thiệt nhất. Nếu yêu cầu bảo vệ làm việc này mà không hỗ trợ thù lao thêm thì khó thực hiện trong khi đó ngân sách được cấp để chi trả lương cho bảo vệ có hạn mức nhất định.

Từ các lý do trên nên các trường THPT phải thu tiền giữ xe để thuê thêm bảo vệ bên ngoài hợp đồng giữ xe hoặc bồi dưỡng trả thêm thù lao giữ xe cho bảo vệ hiện có. Vậy việc thu tiền giữ xe các năm cao hay thấp, theo quy định nào!

Căn cứ vào Quyết định số 43/2017/QĐ-UBND, ngày 26/12/2017 của UBND tỉnh Bình Thuận, các trường đã thu tiền giữ xe. Năm học 2023-2024, Trường THPT Hàm Thuận Bắc thu 01 xe trong 01 năm cụ thể: Xe đạp: 50.000đ; xe đạp điện: 70.000đ; 

xe máy: 100.000đ. Mỗi học sinh vào trường ít nhất 6 lượt trong tuần, mỗi năm học ít nhất 33 tuần, tức hơn 200 lượt đến trường mỗi năm. Vị chi, xe đạp: 250đ/ lượt; xe đạp điện: 350 đồng/ lượt; xe máy: 500đ/ lượt. Trường THPT Nguyễn Văn Linh cũng thu mức tương đồng như thế. Vậy mức thu thật sự rất thấp nếu so quy định là xe đạp tối thiếu 2000đ/ 1 lượt và càng thấp so với việc chẳng may mất xe. 

Được biết, thời gian tới, Tỉnh sẽ phê duyệt các đề án cho đấu thầu công khai việc giữ xe, căn tin … tại các trường THPT, quy định mức sàng và trần thu tiền giữ xe... Khi đó tiền giữ xe học sinh có thể tăng lên.

Sau khi tìm hiểu việc thu tiền giữ xe của các trường mới thấy nếu không tìm hiểu hoàn cảnh các trường, quy định của UBND tỉnh rồi than phiền, khiếu nại tận Sở Giáo dục và Đào tạo là không hay. Mức thu hiện nay rất thấp so với quy định. Bây giờ, nếu thực hiện theo quy định đấu thầu mới thì phụ huynh sẽ tốn kém hơn trước kia. Nếu không ai giữ xe học sinh, bỏ ngoài sân, mặc nắng mưa hoặc mất thì chính học sinh và phụ huynh chịu thiệt nhất. Vậy rất mong người dân, phụ huynh chúng ta nhìn vào thực tế để đồng thuận thực hiện việc này.


  • QV
  • |
  • 299
  • |

Các tin khác