Năm 2023, tình hình kinh tế xã hội của huyện Hàm Thuận Bắc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH huyện đã triển khai thực hiện tốt tín dụng ưu đãi giúp các hộ gia đình kịp thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh - chính trị, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Kết quả thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 515,6 tỷ đồng, tăng trưởng 85,3 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch năm. Hơn 4.755 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 170 tỷ đồng. Trong đó có 1.022 hộ vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, chăn nuôi trồng trọt; tạo điều kiện cho 14 hộ có thu nhập thấp, công chức xây dựng nhà để ở; 36 hộ nghèo DTTS vay vốn để xây mới nhà ở; thu hút, tạo việc làm ổn định cho 1.116 lao động; giúp 600 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 2.182 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; tạo điều kiện cho 5 khách hàng đã chấp hành xong án phạt tù vay vốn SXKD, hòa nhập cộng đồng... Chất lượng giao dịch của NHCSXH tại các xã, thị trấn ngày một nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ nhân dân tại địa bàn. Công tác kiểm tra giám sát được thành viên Ban đại diện và các hội đoàn thể nhận ủy thác quan tâm thực hiện.
Kết luận hội nghị, đồng chí Ung Văn Tám – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy đã đánh giá cao kết quả hoạt động năm 2023 của phòng giao dịch NHCSXH huyện. Tuy chất lượng tín dụng đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa ổn định, chất lượng hoạt động Tổ TK&VV còn hạn chế; hoạt động ủy thác tại một số tổ chức chính trị - xã hội cấp xã có chuyển biến nhưng hoạt động còn chậm, hiệu quả chưa cao. Đồng chí đề nghị trong năm 2024:
- Thường trực Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn phải xác định tín dụng chính sách là công cụ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
- UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân; phối hợp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và Vay vốn; duy trì nề nếp chế độ giao ban về công tác này theo quy định; thường xuyên rà soát, bổ sung đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng chính sách khác.
- Các đoàn thể nhận ủy thác từ huyện đến xã, thị trấn tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ được ủy thác; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
- Các cơ quan tư pháp và Văn phòng Đăng ký đất đai huyện tiếp tục quan tâm phối hợp, hỗ trợ cho PGD Ngân hàng chính sách xã hội huyện trong công tác xử lý, thu hồi nợ theo đúng quy định.
- Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành, các hội đoàn thể, đảm bảo sử dụng nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, dân chủ công khai trong việc bình xét đối tượng vay vốn. Tích cực xử lý nợ quá hạn, nợ đến hạn, thường xuyên phối hợp kiểm tra, củng cố, kiện toàn các Tổ TK&VV, đồng thời quản lý nguồn vốn và phục vụ tốt hơn nữa cho nhân dân trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của Tỉnh, của huyện về tín dụng chính sách xã hội cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.