Là đoàn viên thanh niên, thuộc diện hộ nghèo, nhiều năm nay, chị Trần Thị Mỹ Linh ở thôn 4, xã Hàm Đức cùng chồng cố gắng, nỗ lực gây dựng, duy trì cơ sở may gia công để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, chị nhận may gia công từ công ty ở các tỉnh lân cận như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... để may đồng phục cho học sinh, áo thun, đồ bảo hộ cho nhân viên... với các loại máy như máy may, máy vắt sổ, máy kansai may lai. Nhờ được Đoàn Thanh niên xã kết nối, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã vay 50 triệu đồng năm 2022 và tiếp tục vay bổ sung để mở rộng đầu tư là 50 triệu đồng năm 2023 từ chương trình cho vay hộ nghèo và được hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với số vốn vay và lãi suất ưu đãi, chị Linh đã mạnh dạn đầu tư, mua mới thêm máy may, vật tư thiết bị phục vụ cho công việc may mặc. Hiện nay cơ sở may của chị Linh đã giải quyết được việc làm cho 8 đoàn viên thanh niên, chị hướng dẫn cho các đoàn viên từ lúc chưa biết cắt may, đến nay đã thành thạo tay nghề, với thu nhập ổn định bình quân hàng tháng là 5 triệu đồng. Chị Trần Thị Mỹ Linh chia sẻ: "Nhờ được vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư thêm máy may, nhận hàng nhiều hơn, thì thu nhập sẽ nâng lên, cải thiện hơn nữa đời sống gia đình. Riêng vốn này được Nhà nước cho vay thì chúng tôi chấp hành nghiêm quy định, hàng tháng tôi trả lãi và trả gốc đúng thời hạn"
Chị Linh chỉ là một trong số hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được hưởng lợi từ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện. Đến cuối tháng 5/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt hơn 465,8 tỷ đồng, tăng gần 35,9 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022 với hơn 14.450 khách hàng đang vay vốn. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Thuận Bắc đã triển khai cho vay các nguồn vốn giao; phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức Hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt năm 2023 có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để ưu tiên nguồn vốn giải ngân kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt tập trung thực hiện giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến tín dụng chính sách để chính quyền địa phương, các tổ chức Hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn và nhân dân cùng nắm bắt, tổ chức thực hiện để nguồn vốn chính sách ưu đãi tiếp tục phát huy hiệu quả, là đòn bẩy, nhân tố quan trọng trong quá trình phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp kinh tế phát triển và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.