Tin tức

Hàm Thuận Bắc: Đảng bộ huyện Hàm Thuận qua 75 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành

  • HN
  • /
  • 3.12.2022 - 22:14

Chuẩn bị chào đón năm mới 2023, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc càng thêm phấn khởi chào mừng 75 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Hàm Thuận (05/12/1947-05/12/2022). Ngược dòng lịch sử, vào những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược, trên địa bàn huyện Hàm Thuận đã sớm có những cuộc đấu tranh của các sĩ phu yêu nước nhưng đều bị thất bại. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), đã có nhiều đảng viên đến Hàm Thuận để hoạt động, xây dựng các tổ chức quần chúng, phát triển đảng viên và thành lập các tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của tổ chức Đảng cấp huyện. Do đó, ngày 05/12/1947, tại Rẫy Thơm- Tùy Hòa (Hàm Đức), đồng chí Nguyễn Đức Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trì hội nghị thành lập Đảng bộ Hàm Thuận; hội nghị bầu đồng chí Phan Tấn Trình làm Bí thư Huyện ủy.

Buổi họp mặt kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ Hàm Thuận

Từ khi thành lập, Đảng bộ huyện Hàm Thuận đã lãnh đạo phong trào cách mạng huyện nhà từ tự phát thành tự giác, với ý thức cách mạng ngày càng cao; Nhân dân một lòng một dạ trung thành với Đảng, với cách mạng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, đập tan các thủ đoạn chiến tranh của kẻ thù. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo thực hiện các phương thức nghệ thuật chiến tranh linh hoạt, đạt hiệu quả cao như phong trào “diệt ác phá kèm”; thực hiện tốt phương châm “2 chân, 3 mũi”; kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh tổng hợp của 3 thứ quân, 3 mũi giáp công với tinh thần chủ động, bám sát địch mà đánh.  Đặc biệt, Đảng bộ Hàm Thuận sớm xây dựng và phát triển vững chắc thế trận lòng dân, Đảng bám dân; dân bám đất, bám làng, một lòng nuôi dưỡng chở che cách mạng, tạo thế đứng chân bám trụ chắc chắn, kể cả ngay trong lòng địch. Khi Đảng phát động đấu tranh vũ trang thì mọi tầng lớp nhân dân đứng lên hưởng ứng mạnh mẽ, đưa cuộc kháng chiến từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh; càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Nhiều tên đất, tên làng đã trở thành những địa danh lịch sử oai hùng như “Khu Lê bất khuất”, “Tam giác kiên cường”, “Nam Sơn Trung Dũng” và “Đường Tám rực lửa chiến công”…

Sau giải phóng năm 1975, Đảng bộ và Nhân dân Hàm Thuận bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống, bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tập trung thực hiện chính sách ruộng đất cho nông dân, đẩy mạnh phong trào khai hoang phục hóa, cải tạo nông nghiệp, công thương nghiệp đi đôi với làm giao thông, thuỷ lợi nhỏ....tạo điều kiện cho Nhân dân phát triển sản xuất, cải thiện dần cuộc sống. Cuối năm 1982, Hội Đồng bộ trưởng có quyết định chia tách huyện Hàm Thuận thành huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Nhưng phải đến sau Đại hội Đảng bộ huyện Hàm Thuận lần thứ III (tháng 6/1983) mới chính thức chia tách thành huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Hàm Thuận Nam. Ngay sau chia tách, Đảng bộ huyện đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, ổn định chính trị - xã hội, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân.

Qua 75 năm, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo đưa Hàm Thuận Bắc từ một huyện nghèo nàn, lạc hậu từng bước phát triển đi lên. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ huyện luôn xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt; lấy đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân làm mục tiêu phát triển; tăng cường công tác quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc đã lãnh đạo Nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, không ngừng đổi mới và giành được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: Chưa phát huy tốt tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế huyện nhà nhanh, bền vững; thu nhập và đời sống của một bộ phận Nhân dân còn thấp và gặp nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu; chất lượng hoạt động của một số tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng lên chậm; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ và việc giải quyết các vụ việc tồn đọng về đất đai còn chậm; chất lượng hoạt động Mặt trận, đoàn thể tuy được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu...  

Trong thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân huyện tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, sức mạnh đoàn kết toàn dân; khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, ý chí nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đi đôi với khai thác, phát huy đúng mức tiềm năng, lợi thế ở địa phương, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn theo hướng CNH- HĐH; tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.


  • HN
  • |
  • 536
  • |

Các tin khác