Tin tức

Kết quả 12 năm thực hiện Chỉ thị 44 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc

Thi hành án dân sự là hoạt động cuối cùng của hoạt động tố tụng dân sự, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng là công tác lãnh đạo, định hướng của Đảng. Do đó, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TU, ngày 12/10/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 44), công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, nổi rõ là:

Sau khi tiếp thu Chỉ thị 44, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức quán triệt văn bản trên cho cán bộ chủ chốt huyện, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp nâng chất lượng công tác thi hành án dân sự, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này và thường xuyên sơ kết để đánh giá kết quả thực hiện, như: Sơ kết 3 năm (năm 2012), sơ kết 05 năm (năm 2014). Trên cơ sở đó, UBND huyện chỉ đạo Chi cục thi hành án dân sự huyện chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn mở nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến Luật thi hành án dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi cho Nhân dân, gắn với xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Qua học tập, quán triệt, tuyên truyền nhìn chung nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác thi hành án dân sự có chuyển biến rõ nét hơn so với trước; đội ngũ chấp hành viên, cán bộ thi hành án nhận thức sâu kỹ hơn trách nhiệm của mình đối với công việc được giao, từ đó chủ động trong xây dựng kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ chấp hành viên cũng được huyện quan tâm. Năm 2009, Chi cục thi hành án dân sự huyện chỉ có 07/10 biên chế (gồm 02 chấp hành viên, 05 cán bộ và chuyên viên), do đồng chí Chi cục phó được phân công phụ trách Chi cục, nhưng đến nay đơn vị đã có 12/12 biên chế, gồm: 02 chấp hành viên trung cấp, 03 chấp hành viên sơ cấp, 04 thư ký, 01 thẩm tra viên, 02 chức danh khác và đã sắp xếp đủ số lượng chức danh lãnh đạo, được bổ nhiệm theo quy định (gồm 01 Chi cục trưởng, 02 Chi cục phó). Ngoài ra, đơn vị có 04 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp được ngành, cấp trên chú trọng thực hiện, đã tạo điều kiện cho 22 lượt cán bộ, công chức tham gia học cao cấp lý luận chính trị, các lớp cao học, đại học chuyên ngành, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, trong đó có 02 công chức tham gia lớp cao cấp lý luận chính trị và 02 công chức tham gia lớp Thạc sỹ Luật.

Cùng với đó là Ban chỉ đạo thi hành án dân sự và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn, thời gian qua đã cho ý kiến 38 vụ việc phức tạp, nổi cộm, giúp Chi cục thi hành án dân sự huyện giải quyết có kết quả các vụ việc. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Chi cục thi hành án dân sự với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Công an huyện thực hiện khá tốt, nhất là đối với một số vụ việc phức tạp, nổi cộm phải cưỡng chế thi hành. Công tác phối hợp giữa Chi cục thi hành án dân sự huyện với Mặt trận, các đoàn thể trong vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật được quan tâm hơn, giúp nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong thi hành án dân sự, hạn chế số vụ việc phải đưa ra cưỡng chế.

Kết quả, trong 12 năm tổng số việc giải quyết là 14.525 việc, trong đó tổng số phải thi hành là 14.240 việc và số có điều kiện thi hành 13.523 việc, chiếm 94,96% so tổng số việc phải thi hành; đã thi hành xong 13.072 việc, đạt tỷ lệ 96,66% so với số việc có điều kiện thi hành. Tổng số tiền giải quyết là 490.242.529 tỷ đồng, trong đó tổng số phải thi hành là 471.990.474 tỷ đồng và số có điều kiện thi hành 343.619.604 tỷ đồng, chiếm 72,80% so tổng số tiền phải thi hành; đã thi hành xong 297.606.159 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 86,61% so với số tiền có điều kiện thi hành. Đồng thời, Chi cục thi hành án dân sự huyện đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện rà soát, lập hồ sơ và đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét miễn, giảm và kết quả đã thực hiện miễn, giảm đối với 169/169 việc, với số tiền 287.149.000/287.149.000 đồng.

Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân và hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cũng được phát huy vai trò, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện công tác trên. Qua đó công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát đã chấn chỉnh và kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự, nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu, góp phần đưa công tác thi hành án dân sự đi vào nề nếp, đúng quy định pháp luật. Kết quả từ năm 2009 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức 04 cuộc giám sát và 02 cuộc kiểm tra chuyên đề đối với Chi cục thi hành án dân sự huyện. Viện Kiểm sát nhân dân huyện đã kiểm sát 13.677 quyết định thi hành án dân sự; lập 252 hồ sơ cưỡng chế thi hành án dân sự, 717 quyết định chưa có điều kiện thi hành, trong đó chú trọng kiểm sát phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành; đối với các biện pháp kê biên, cưỡng chế tài sản mà đặc biệt là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, khấu trừ thu nhập cho người phải thi hành án... đều được kiểm sát chặt chẽ về trình tự, thủ tục. Hội đồng nhân dân huyện đã tiến hành 05 cuộc giám sát chuyên đề về công tác thi hành án dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự huyện, trong đó có 02 cuộc phối hợp với Hội đồng nhân dân tỉnh, 03 cuộc do Ban pháp chế Hội đồng nhân dân huyện thực hiện.

Để phát huy tốt hơn nữa công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện như sau: Đẩy mạnh hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 44, Luật thi hành án dân sự, các Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến công tác thi hành án dân sự đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân trong huyện. Thường xuyên có ý kiến để củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Cơ quan thi hành án dân sự huyện đảm bảo hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền với cấp ủy, cơ quan thi hành án dân sự và vai trò kiểm sát của Viện Kiểm sát, giám sát của Hội đồng nhân dân trong hoạt động thi hành án dân sự. Tổ chức thi hành án dân sự đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, chú ý những vụ việc tồn đọng, phức tạp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả những vụ việc khó khăn, phức tạp còn tồn đọng kéo dài. Đồng thời, thực hiện tốt hơn nữa quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự giữa các cơ quan huyện, các ban ngành có liên quan trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương.


Các tin khác