Tin tức

HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN Ở HÀM THUẬN BẮC

  • /
  • 1.4.2011 - 0:0

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một giải pháp cấp thiết nhằm giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay. Trung tâm dạy nghề Hàm Thuận Bắc đã phát huy khá tốt vai trò của mình trong công tác đào tạo này.

                Giờ thực hành sửa chữa máy nông nghiệp của học viên.

 

Được thành lập từ năm 2004. Những năm đầu mặc dù có những khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng Trung tâm đã có nhiều cố gắng bám sát nhu cầu đào tạo nghề của địa phương để mở các lớp dạy nghề cho người lao động. Trong 6 năm qua đã đào tạo 2.800 lao động với các loại hình ngành nghề như mộc dân dụng, xây dựng dân dụng, may công nghiệp, tin học, lái xe; kể cả việc tập huấn bồi dưỡng kiến thức chăn nuôi – thú y, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn ViêtGAP, kỹ thuật trồng cây lúa nước, bắp lai, cao su...

Năm 2010, trên cơ sở Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, sau đó là Thông tư liên Bộ Tài chính -   Lao động – Thương binh – Xã hội “hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện đề án của Chính phú”. Đồng thời UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 1376 “phê duyệt kế hoạch mở lớp định mức chi hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn”. Từ khi triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, Tỉnh, đến nay đã đào tạo được 735 lao động, đạt 104% kế hoạch đề ra. Trong đó, có khoảng 670 lao động có việc làm và có thu nhập, chiếm 91,2%.

 Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn ở huyện Hàm Thuận Bắc. Năm 2010, Trung tâm đã đào tạo nghề vượt kế hoạch đề ra. Tuy vậy, do công tác đào tạo một vài nghề học chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy một số ít học viên sau khi tốt nghiệp khóa học chưa có việc làm phù hợp. Trong thời gian tới,  chúng tôi sẽ làm việc với Cấp ủy, Chính quyền địa phương nắm chắc nhu cầu đào tạo nghề, trước khi mở lớp …”.

Kế hoạch năm 2011 dự kiến đào tạo nghề cho 770 lao động, nếu không có những giải pháp và sự cố gắng của Trung tâm dạy nghề, sự phối hợp của các đoàn thể có liên quan và UBND các xã, thị trấn thì khó hoàn thành kế hoạch đề ra. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội và Trung tâm dạy nghề triển khai các biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả tổ chức hội thảo chuyên đề và sinh hoạt của các đoàn thể; nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động trong việc tự học nghề và tìm kiếm việc làm. Trung tâm dạy nghề huyện cũng phải bám sát nhu cầu đào tạo nghề, cũng như khả năng gắn kết việc làm cho người lao động trước khi mở lớp đào tạo nghề; đồng thời bố trí đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn và khả năng truyền đạt cho học viên lý thuyết và thực hành sát với nhu cầu thực tế. Có như vậy, Trung tâm mới cung cấp nguồn lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.

                                                                              Đỗ Khắc Thể.


  • |
  • 672
  • |

Các tin khác