Tin tức

SẮC MỚI VÙNG CAO HÀM THUẬN BẮC

  • /
  • 21.4.2011 - 0:0

Những năm gần đây với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc và miền núi, các xã vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc đã có những đổi thay tích cực, từ cơ sở vật chất đến đời sống nhân dân. Sự no đủ, khấm khá hiện diện khắp buôn làng đồng bào K’Ho, Rắc Lay, Rai.

Khai hoang đồng ruộng Đagury (La Dạ).

 

Từ trung tâm huyện lỵ Ma Lâm lên đến La Dạ, một trong 3 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Bắc mất khoảng 45 phút đi ô tô. Đường ĐT 714, tuyến đường huyết mạnh nối với các xã vùng cao, kể cả giao thương với huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng xuống cấp khá nặng, làm cho việc vận chuyển của các phương tiện giao thông đều khó khăn. Tuy mặt đường xấu, nhưng mật độ giao thông trên tuyến đường này ngày càng tăng lên, đồng bào lên rẫy phần nhiều đi bằng xe máy. Hai bên đường, nhà xây của đồng bào mọc lên nhiều hơn, nhiều nhà được xây dựng khang trang, kiểu nhà giống như người kinh.

          Năm 2010 mặc dù điều kiện cho sản xuất ở vùng cao không thuận lợi do nắng hạn, hơn 300 ha bắp lai của đồng bào bị thiệt hại nặng. Nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của huyện và các ngành chức năng, cùng sự nỗ lực của đồng bào, sản xuất vẫn phát triển ổn định. Anh Mang Văn Giai ở thôn 3 xã Đông Giang dành tiền bán bắp lai, đậu đen hơn 15 triệu đồng và bán thêm con bò đã dựng mới ngôi nhà bằng gỗ lợp tol khang trang. Anh cho biết, chưa đủ tiền tạm thời chỉ lát nền, vách thì dừng bằng tre, cuối năm có điều kiện sẽ xây gạch.  

          Đồng bào K’ Ho, Rắc Lay, Rai đang tích cực thâm canh cây lúa nước ở những nơi nguồn nước chủ động. Ở xã Đông Tiến, gần 42 ha lúa sản xuất 2 vụ trong năm năng suất đạt 45 tạ/ha, cao hơn gần 10 tạ/ha so với năm 2009. Cây bắp lai tuy gặp nắng hạn nhưng sản lượng vẫn đạt gần 1.500 tấn. Ngoài ra, đồng bào còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như đậu, mè, nhờ đó thu nhập ổn định, đời sống đồng bào Đông Tiến không ngừng được cải thiện, bình quân lương thực đầu người 1.780 kg. Nhiều hộ xây được nhà với giá trị hàng trăm triệu đồng. 

           Đặc biệt ở 2 xã Đông Giang và La Dạ, đồng bào đã chăm sóc và khai thác tốt mủ cây cao su. Năm 2010, số lượng mủ khai thác đạt gần 324 tấn, giá trị thương phẩm trên 6 tỷ đồng. Có nguồn thu nhập cao từ thu hoạch cao su, bắp lai đời sống của phần lớn đồng bào đã được cải thiện. Anh B’ Đam Nhân ở thôn 1 xã La Dạ có 500 cây cao su, tương đương với diện tích 1 ha. Số cao su này được nhà nước trồng năm 1999, sau đó giao đồng bào quản lý và khai thác. Sau hơn 3 năm đi vào khai thác, cây cao su đã cho gia đình anh thu nhập cao. Anh Nhân cho biết, muốn khai thác được  nhiều mủ cao su phải thức khuya, dậy sớm và cạo đúng kĩ thuật. Trung bình ngày cạo, ngày nghỉ, anh thu nhập từ 400-600.000 đồng/ngày.

Thời gian khai thác mủ cao su kéo dài liên tục  9 tháng trong năm, trừ 3 tháng mùa khô. Có nguồn thu nhập ổn định từ cao su mà nhiều hộ đã thoát được đói nghèo. Sản xuất phát triển, kinh tế ngày càng cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây được nâng lên. Ở xã La Dạ, địa phương nghèo nhất huyện, hiện có trên 80% hộ có xe máy, 95% có ti vi. Các xã như Đông Giang, Đông tiến con số này gần như 100%. Có gia đình sắm từ 2-3 xe máy và những phương tiện sinh hoạt đắt tiền. Nếu như năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng cao là 32% thì nay chỉ còn khoảng 14%.

Hiệu quả từ cây cao su mang lại đã kích thích đồng bào vùng cao mạnh dạn đầu tư phát triển cây trồng này. Hiện nay ở 2 xã Đông Giang và La Dạ ngoài 342 hộ đang quản lí khai thác 234 ha cao su, chưa kể đến hàng chục ha đồng bào đầu tư trồng mới trong vài năm gần đây, thì điều kiện và cơ hội làm giàu của đồng bào vùng cao ngày càng rõ nét. Ông Nguyễn Như Diễn- Chủ tịch UBND xã Đông Giang cho biết, năm 2010, trung bình mỗi hộ có cao su thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Hiện toàn xã còn 11% hộ nghèo, chủ yếu rơi vào trường hợp neo đơn và gia đình đông con.

Điều dễ nhận thấy ở đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hàm Thuận Bắc những năm gần đây đã có sự chuyển đổi về ý thức tự lực vươn lên, ít trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Hơn nữa với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Đảng, Nhà nước cho vùng cao đã kích thích đồng bào phát triển sản xuất. Hiện nay huyện Hàm Thuận Bắc đang tập trung dồn sức đầu tư hệ thống thuỷ lợi để phát triển cây lúa nước tại 2 xã Đông Giang và La Dạ nhằm ổn định vấn đề lương thực tại chỗ như xã Đông Tiến đã làm được trong nhiều năm qua.

Sản xuất lúa tại đồng ruộng Đagury.    

 

Một trong những công trình bức xúc đang được huyện Hàm Thuận Bắc tập trung thi công ở vùng cao, chính là công trình khai hoang 55 ha đồng ruộng lúa nước tại xã La Dạ để phát huy hiệu quả từ đập thuỷ lợi Đaguri. Để kịp đưa đồng ruộng vào sản xuất trong vụ hè thu năm 2011, đồng thời giúp đồng bào làm quen với sản xuất cây lúa nước, huyện Hàm Thuận Bắc hợp đồng với 1 công ty tư nhân ở địa phương trồng thí điểm 4 ha tại đồng ruộng Đaguri để đồng bào học tập. Đây được xem là quyết tâm cao của huyện trong năm 2011 cho việc phát triển cây lúa nước vùng cao. Ông Trần Đăng Thụ- Chủ tịch UBND xã La Dạ cho biết, vụ hè thu 2011, xã sẽ huy động nhân dân tập trung ra đồng phát triển cây lúa nước, trong đó cán bộ, đảng viên phải là người đi tiên phong để đồng bào học tập làm theo. Ông Thụ khẳng định, muốn La Dạ sớm thoát nghèo thì phải phát triển cây lúa nước để ổn định nguồn lương thực tại chỗ.

Lương thực cho vùng cao luôn là trăn trở của huyện Hàm Thuận Bắc từ lâu nay. Với quyết tâm cao trong việc đầu tư thuỷ lợi, khai hoang đồng ruộng phát triển cây lúa nước, cùng tiềm năng hiện có là hàng trăm ha cao su, điều đang trong độ tuổi khai thác và hàng trăm ha bắp lai sản xuất hàng năm, đồng bào vùng cao Hàm Thuận Bắc có nhiều cơ hội bức phá đi lên trong vài năm đến. Niềm vui nối tiếp niềm vui, tuyến đường huyết mạnh ĐT 714 sau nhiều năm xuống cấp đã được khởi công vào thời điểm cuối năm 2010, mở ra một tương lai tươi sáng cho việc phát triển dân sinh kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao./.

                                                                                                         Thành Khoa


  • |
  • 709
  • |

Các tin khác