Sức mạnh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam. Người đã xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối. Đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù. Người nói: “Nhờ đại đoàn kết dân tộc mà trong bao thế kỷ nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập, tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết toàn dân mà nước Việt Nam chúng ta nhất định sẽ thống nhất”.

Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”.

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người là đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các chính đảng, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, kể cả những người trước đây lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải, quay về với chính nghĩa của dân tộc. Đoàn kết trong tư tưởng của Người là đoàn kết rộng rãi, mở rộng và tranh thủ tất cả những lực lượng và bộ phận có thể tranh thủ. Nguyên tắc đoàn kết rộng rãi được dựa trên điểm tương đồng là: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”. “Ai có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Cơ sở để Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm đại đoàn kết rộng rãi như vậy chính là niềm tin của Người vào mỗi người dân Việt Nam. Hồ Chí Minh luôn tin rằng, ai cũng có ít hay nhiều lòng yêu nước tiềm ẩn bên trong. Lý tưởng độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, tất cả vì cuộc sống tự do, hạnh phúc của Nhân dân là  mẫu số chung, là điểm quy tụ mọi người vào khối đại đoàn kết dân tộc. Người chỉ rõ rằng, “đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số Nhân dân, mà đại đa số Nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác” và sau này Người bổ sung thêm nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc là liên minh giữa công nhân, nông dân với trí thức: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối” .

Trong chính sách đại đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đứng trên lập trường của giai cấp công nhân; đồng thời Người biết lôi cuốn về phía Nhân dân những đại biểu của giai cấp tư sản dân tộc và những người trong tầng lớp địa chủ. Chính điều này đã hình thành được khối liên minh đoàn kết rộng rãi của dân tộc Việt Nam, làm tăng thêm sức mạnh của Nhân dân lên bội phần đủ sức đánh bại các thế lực ngoại xâm, giúp cách mạng Việt Nam vượt qua những lúc hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, Người đã mạnh dạn dùng người, tôn trọng và trọng dụng trí thức; bố trí, giao việc hợp lý, tùy vào khả năng của từng người. Chính nhân cách vĩ đại của Người đã thu hút nhiều nhân tài dám xả thân vì nghĩa lớn, hy sinh cuộc sống giàu sang để dấn thân vào con đường cách mạng gian khổ đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, tự do, bình đẳng như Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng, Phan Kế Toại, Phạm Quang Lễ…

Không những phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực dân tộc mà Người còn coi trọng đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân. Trên thực tế, Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng mối liên hệ mật thiết giữa cách mạng Việt Nam với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế, với cách mạng vô sản ở nước Nga Xô viết và các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng như với phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ của nhân dân lao động trên toàn thế giới. 

Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh sở dĩ thành công là nhờ khơi dậy được lòng yêu nước; giương cao ngọn cờ đại nghĩa, chiến đấu cho một nước Việt Nam độc lập thoát khỏi ách nô dịch của thực dân, đế quốc; kích thích lòng tự tôn dân tộc, một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, có lịch sử oai hùng trong chống giặc ngoại xâm. Chính điều này đã huy động nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia kháng chiến tạo nên khối đoàn kết vững chắc, bền bỉ, chiến đấu kiên cường, không chịu khuất phục trước sức mạnh tàn bạo của các thế lực xâm lược.

Có thể khẳng định rằng, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng ta đã xác định vừa là nguyện vọng, vừa là mong muốn tha thiết của Nhân dân Việt Nam và là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Với tình hình quốc tế và trong nước hiện nay, đường lối chiến lược tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đang trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi còn có những  khó khăn, thách thức lớn trên con đường phát triển, như các thế lực phản động không ngừng tìm mọi cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta,  phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc... lối sống cơ hội, thực dụng đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến suy nghĩ và hành động của mỗi người. Vì vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải nghiên cứu vận dụng sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh; phải nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí to lớn và sức mạnh của Nhân dân nhằm huy động sức mạnh của toàn dân tộc và tăng cường đoàn  kết với các nước để tăng cường sức mạnh tổng hợp của cả đất nước tạo nên sức mạnh vô địch trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Theo Bác, để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, thì toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần có phong cách lãnh đạo: “Kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, cần học và làm theo phong cách làm việc quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tập hợp, đoàn kết toàn dân; phải “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, thực sự là công bộc của nhân dân. Không ngừng chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; thường xuyên  lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tin dân, tôn trọng nhân dân… làm được những điều đó mới xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO