Tin tức

Hàm Thuận Bắc- 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc

Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi với 17 xã, thị trấn; trong đó có 03 xã thuần và 05 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dân số toàn huyện 182.015 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 8,8%, chủ yếu là đồng bào K’ Ho, Chăm và Raglay; đồng bào K’ Ho sinh sống chủ yếu ở 03 xã vùng cao Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ; đồng bào Raglay sinh sống ở 02 thôn xen ghép Dân Hiệp, xã Thuận Hòa và Ku Kê, xã Thuận Minh; đồng bào Chăm sinh sống ở các thôn xen ghép: Lâm Giang, xã HàmTrí; Lâm Thuận, xã Hàm Phú và thôn 3, thị trấn Ma Lâm.

Hồ Sông Khán.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và các chính sách của Nhà nước, cấp ủy và chính quyền các cấp trong huyện đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng xã, từng thôn. Từ đó bộ mặt nông thôn các vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc, đời sống dân sinh, kinh tế có nhiều thay đổi. Nổi rõ là kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng tăng thêm, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tiếp tục phát triển, trụ sở làm việc của 3 xã thuần đồng bào DTTS cơ bản được xây dựng kiên cố; 12/13 thôn đồng bào DTTS có nhà văn hóa thôn (còn 01 thôn xã Đông Tiến chưa có); 3 xã có cửa hàng bán lẻ; 2/3 xã thuần và 4/5 thôn xen ghép đã được đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung (xã La Dạ và thôn Dân Hiệp - Thuận Hòa chưa xây dựng); 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia,.. Nhiều công trình trọng điểm vùng cao đã được đầu tư như: Cầu trên tuyến đường An Lâm - Đông Giang; hồ Đatrian (La Dạ); đập Đaguri (La Dạ); hồ Saluon (Đông Giang); hồ Sông Khán (Thuận Hòa); hệ thống nước Đông Giang, Khu tái định cư Dốc Da- Đá Bàn, xã Thuận Minh … ; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện và nâng dần chất lượng; chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được nâng lên; sự nghiệp giáo dục ở các xã thuần và các thôn xen ghép vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, hiện có 12 trường/110 lớp/3.032 học sinh DTTS, cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị được đầu tư nâng cấp, xây mới đáp ứng cơ bản yêu cầu giáo dục hiện nay; chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên và chất lượng dạy và học được nâng lên. 100% giáo viên công tác vùng DTTS đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó trên chuẩn bình quân đạt 75%; riêng 65 giáo viên người DTTS đều đạt chuẩn và trên chuẩn; huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp hàng năm đạt 100%; trẻ mẫu giáo, học sinh lớp 1 được tăng cường tập nói, viết tiếng Việt; tất cả học sinh phổ thông đều học tiếng Anh, Tin học; tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng tăng hàng năm bằng hoặc cao hơn bình quân chung toàn huyện. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS những năm gần đây đạt 100%, trong đó có trên 57% học sinh tiếp tục học THPT, số còn lại đăng ký học nghề. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội giữ được ổn định, nhiều mô hình về đảm bảo an ninh trật tự trong dân cư được hình thành, như mô hình “An toàn về an ninh trật tự” ở thôn 3, thị trấn Ma Lâm, mô hình “tự quản, tự phòng” ở thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí. Phong trào toàn dân đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm được duy trì thường xuyên. Tổ chức diễn tập chiến đấu trị an theo định kỳ đạt yêu cầu đề ra; hệ thống chính trị ở các xã luôn được củng cố, nâng dần chất lượng hoạt động, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn còn những hạn chế như: Kinh tế vùng DTTS phát triển còn chậm và chưa vững chắc, trình độ sản xuất đồng bào còn thấp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu, một số nơi còn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô (Dân Hiệp- Thuận Hòa); tiềm năng chưa được khai thác và phát huy tốt. Trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào, nhất là ở vùng cao còn thấp. Chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân nâng lên chậm. Việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc còn hạn chế. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu ổn định. Hệ thống chính trị ở cơ sở còn yếu; cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý xã hội; công tác vận động quần chúng, nắm tâm tư nguyện vọng của đồng bào chưa tốt; xây dựng thực thực cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và tiếp tục thực hiện đạt kết quả cao hơn những mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết 24 của TW và Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy, Ban Thường cụ Huyện ủy xác định: Cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp phải cụ thể hoá Nghị quyết thành những chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng bộ và thống nhất; trong quá trình thực hiện cần có sự phân công, phân cấp, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức. Đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào bằng các hình thức phù hợp theo từng nhóm đối tượng, thông qua đó nắm chắc diễn biến tâm tư, tình cảm của đồng bào, phát huy dân chủ cơ sở, giải quyết tốt những bức xúc của đồng bào; nêu cao ý thức tự lực, tự cường và xóa bỏ sự tự ti, mặc cảm của đồng bào. Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ trong thực hiện các phong trào thi đua do địa phương phát động. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào là thanh niên; chú ý xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả.


Các tin khác