Tin tức

TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ BÌNH THUẬN: 30 NĂM NHÌN LẠI

Chặng đường 30 năm nhìn lại với những cảm xúc đan xen, đó là niềm hạnh phúc, sự tự hào, trân quý với những thành tích mà cả thầy và trò nhiều thế hệ cùng nỗ lực đạt được. Mái trường PT DTNT Bình Thuận - nơi nuôi dưỡng, chắp cánh những ước mơ của biết bao thế hệ học trò người dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận.

Theo Quyết định 299/QĐ-UBBT ngày 13/8/1992 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc thành lập Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, trường được đặt tại thị xã Phan Thiết. Sau nhiều khảo sát, thay đổi, trường được UBND tỉnh chọn đặt tại thôn Kim Ngọc, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc (nơi trước đây là Trường Trung học Kinh tế Thuận Hải). Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PT DTNT) Bình Thuận là trường chuyên biệt có nhiệm vụ giảng dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), con em các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học hết chương trình trung học phổ thông, nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này.

Việc giảng dạy bắt đầu từ năm học 1993 - 1994 với 303 em học sinh cả 3 cấp: tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), thuộc 9 dân tộc, biên chế thành 10 lớp. Đến năm học 2023 – 2024, trường có 27 lớp với 891 học sinh, được học tại 03 dãy phòng học (3 tầng) 28 phòng học phục vụ giảng dạy và học tập.

30 năm qua, trường tiếp nhận hơn 10.500 HS tham gia học tập. Trong đó, số học sinh DTTS là 8.523, học sinh người Kinh vùng ven của huyện Hàm Thuận Bắc là 1.309, học sinh huyện đảo Phú Quý là 245. Số học sinh đã tốt nghiệp THPT là 5.343 (một số chuyển trường, học nghề, hoặc kết thúc học tại trường sau khi tốt nghiệp THCS...), hiệu quả đào tạo đạt 60%. Kết quả đào tạo của nhà trường đã góp phần quan trọng trong công tác tạo nguồn cán bộ DTTS cho đất nước, cho tỉnh Bình Thuận.

Ngay từ những năm đầu thành lập, trường nằm trong khu vực không có nguồn nước ngọt, (trường có bốn giếng đào nước mặn), không có điện, không có tường rào, chỉ làm tạm bằng trụ cột bê tông dây kẽm gai rào quanh khu vực trường. Có thể thấy, cơ sở vật chất ban đầu hết sức khó khăn nhưng được sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo tỉnh nhà, trong các năm qua cơ sở vật chất phục vụ cho dạy - học và nuôi dưỡng được trang bị hiện đại với hệ thống mạng internet, ti vi thông minh, thiết bị, đồ dùng học tập, phòng học chức năng, phòng truyền thống. Khu nhà ăn 2 tầng cho 1.000 học sinh được sử dụng cùng một lúc, đảm bảo vệ sinh trong công tác chế biến - an toàn thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Trường có nhà đa năng, sân bóng đá và bóng chuyền, 3 khu kí túc xá dành cho học sinh nam và nữ với sức chứa gần 1.000  sinh. Hệ thống cảnh quan môi trường xanh  sạch - đẹp, tạo không gian vui chơi, hoạt động giáo dục lành mạnh, đảm bảo an ninh cho học sinh trong suốt thời gian học tập và sinh sống tại trường.

Đến với ngôi trường nội trú thân yêu, chúng ta tự hào có đội ngũ nhà giáo và nhân viên thật sự tâm huyết, yêu nghề hết lòng vì sự nghiệp giáo dục con em đồng bào dân tộc. Năm học 1993 – 1994, trường có 20 giáo viên, 18 nhân viên; đến năm học 2023 – 2024, tổng số viên chức của trường là 76 người, trong đó có 03 cán bộ quảnl ý, 64 giáo viên, 9viên chức; Chi bộ có 28 đảng viên. Giáo viên nhà trường đều đạt trình độ chuẩn, và 7 giáo viên có trình độ vượt chuẩn. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò của nhà trường đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng, sự phát triển của tỉnh nói chung. Qua từng thời kỳ, nhà trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết và đổi mới, là những tấm gương sáng trong tự học và sáng tạo. Vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường ngày càng được nâng cao. Đến nay, nhiều học sinh của trường đã trở thành văn nghệ sỹ, kĩ sư, bác sỹ, doanh nhân thành đạt, người lao động giỏi và nhiều học sinh đã tiếp bước các thầy cô giáo để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”; nhiều học sinh là các cán bộ trong lực lượng vũ trang và cán bộ quản lý lãnh đạo giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch xã và cán bộ các ban ngành của xã.

Từ khi thành lập, Nhà trường vinh dự được đón tiếp các vị lãnh đạo Trung ương về thăm: Trường vinh dự được đón cố Tổng bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng đồng chí Đỗ Mười về thăm năm 1994;  Cố Giáo sư Đặng Hữu - Nguyên trưởng ban khoa giáo Trung ương về thăm; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về thăm năm 2008; Nguyên Thứ trưởng Phan Văn Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về thăm năm 2014; Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm trường năm 2016; …

Để làm nên bề dày truyền thống “dạy học - nuôi dưỡng” của nhà trường phải kể đến thế hệ của những người thầy luôn tâm huyết gắn bó với trường từ những ngày đầu thành lập đầy khó khăn, gian nan và thử thách như: Thầy Lâm Hùng Chiến - Nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của trường; Thầy Cao Thanh Xuân - Nguyên Hiệu trưởng nhà trường; Thầy Nguyễn Tư - Nguyên Bí thư Chi bộ - Phó Hiệu trưởng đầu tiên của trường;  Thầy Huỳnh Ngọc Thành - Nguyên Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường; Và cũng không thể không nhắc đến vai trò lãnh đạo hiện nay của thầy Lương Đào Quốc Dũng - Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường; Cô Lưu Thị Mỹ Dung - Phó Bí thư Chi bộ - Phó Hiệu trưởng nhà trường và các thầy cô đã về hưu, chuyển công tác cũng như đang dạy dỗ tại mái trường PT DTNT Bình Thuận.  

Một trong những nguyên nhân quan trọng để đạt được đó là nhà trường luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối giáo dục - đào tạo của Đảng; trên cơ sở đó đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của nhà trường. ​​Đồng thời quán triệt quan điểm của Đảng “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà trường vừa phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc đồng thời chú trọng đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học, luôn tạo điều kiện, động viên, khích lệ đội ngũ giáo viên tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực tham gia các cuộc tập huấn, trao đổi chuyên môn, xứng đáng “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo”. Hàng năm, các phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” trong học tập, công tác được tổ chức tốt, tạo động lực cho đội ngũ nhà trường.

Trước xu thế của thời đại, Chi uỷ, Ban Giám hiệu và toàn thể viên chức trường PT DTNT Bình Thuận sẽ luôn bứt phá về tư tuy, đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới công tác quản lý, phát huy dân chủ trường học, đồng thời bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên…, đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Các em học sinh được giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đặc thù của trường DTNT để các em nhận thức được vai trò của mình trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc, hình thành lòng tự hào về truyền thống văn hóa, giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Thuận, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành - chặng đường nỗ lực phấn đấu vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, nhưng vô cùng vẻ vang của các thế hệ nhà giáo, nhân viên, học sinh Trường PT DTNT Bình Thuận. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có quyền tự hào, củng cố niềm tin, vững bước đi lên trên con đường của sự nghiệp “trồng người”. Mái trường PT DTNT Bình Thuận luôn là mái ấm, là nơi đáng tin cậy trong nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, đào tạo, nơi chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh./.


Các tin khác