Ma Lâm

XÃ THUẬN MINH 40 NĂM HÌNH THÀNH, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Từ buổi đầu thành lập xã Thuận Minh theo Quyết định 140-HĐBT, ngày 28/11/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở tách ra từ xã Hàm Phú, gồm Hợp tác xã 3 và 4 thôn Phú Minh, khu kinh tế mới Hàm Nhơn và Tập đoàn sản xuất Ku Kê Là một trong những xã rất khó khăn của huyện, cơ sở hạ tầng thấp kém, sản xuất nông nghiệp rất bấp bênh phụ thuộc vào thiên nhiên là chính, có năm nắng hạn mất mùa, giao thông, thủy lợi khó khăn, điện chưa được đầu tư, trường học, trạm y tế tạm bợ, thương mại và du lịch kém phát triển; chất lượng nguồn nhân lực thấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn,... Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, HĐND - UBND huyện và sự hỗ trợ giúp đỡ của các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể huyện; đặc biệt là Tỉnh ủy có Nghị quyết 04 về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với sự nổ lực vươn lên của cán bộ và Nhân dân xã Thuận Minh với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, không ngừng phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, đoàn kết một lòng, ra sức khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, rút ngắn khoảng cách với các xã bạn sau 40 năm xây dựng và phát triển.

Nhờ phát triển hệ thống thủy lợi, đặc biệt là khi có công trình thủy lợi Sông Quao nên kinh tế xã nhà ngày càng phát triển. Đảng, Chính quyền tập trung chỉ đạo Nhân dân thâm canh, tăng vụ ổn định lương thực, cơ cấu lại cây trồng, chuyển đổi các loại giống mới vào sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hóa ngày càng nhiều, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Lúa , Bắp, Thanh long, Trâu, Bò, Dê, Heo, Gà, Vịt, nuôi Yến tự nhiên, diện tích các loại cây trồng khác như: Cây mía, cây bưởi, tre lấy măng.… ngày càng phát triển. Toàn xã hiện có hơn 10km kênh, mương nội đồng được kiên cố hóa bằng bê tông xi măng; đặc biệt là công trình kênh chính Sông Quao, kênh Phú Sơn-Ku kê. Nhờ đó, đã đưa diện tích gieo trồng được tưới chủ động lên trên 75%, với tổng sản lượng lương thực năm 2022 đạt 24.667 tấn, tăng hơn 28 lần so với năm 1984 (Năm 1984 đạt 880 tấn). Triển khai thực hiện tốt Đề án phát dọn, khơi thông sông, suối tự nhiên hơn 25km và nạo vét ao bàu, phát dọn, nạo vét hơn 370km mương nội đồng, với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Từ một xã thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Thuận Minh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại-dịch vụ như: Quỹ tín dụng, doanh nghiệp sản xuất gạch không nung,... Những năm gần đây, ngành công nghiệp năng lượng có sự phát triển, hiện có 01 nhà máy điện mặt trời với diện tích hơn 60 ha, điện hộ gia đình kết hợp với nông nghiệp và nhiều công trình điện áp mái nhà.

Hoạt động thương mại, dịch vụ của xã cũng trên đà phát triển, hiện có 326 hộ hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ, lao động nông thôn chuyển sang lao động các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chiếm số lượng lớn; giao thương buôn bán ngày càng phát triển mạnh. Du lịch tuy chậm phát triển nhưng tiềm năng du lịch trên địa bàn xã đang dần hình thành, có chiều hướng phát triển nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,... Nhờ kinh tế phát triển trong thập niên gần đây, nên công tác thu ngân sách nhà nước hàng năm của xã luôn đạt và vượt dự toán huyện giao, bình quân thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt trên 700 triệu đồng/năm.

Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng. Toàn xã có 129 liệt sỹ, 39 mẹ được truy tặng và phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam Anh Hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, 164 người thuộc diện chính sách đang hưởng thường xuyên và một lần, thương binh 31 người, bệnh binh 14 người; 11 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời những trường hợp già neo đơn; đã cơ bản hoàn thành công tác hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công với cách mạng; gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Bộ mặt xã nhà được cải thiện đáng kể. Hàng năm, huy động các khoản đóng góp hơn 01 tỷ đồng, riêng trong giai đoạn 2018-2022 đã huy động được hơn 6 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn huy động từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân, người dân, nổi bật nhất là phong trào làm giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” như: đường bê tông xi măng, kênh mương, giao thông nội đồng. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm đặc biệt, đến nay có đầy đủ các cấp học, 100% trường học được kiên cố hóa với đầy đủ trang thiết bị dạy và học, trong đó có trên 50% số trường học đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống y tế được đầu tư xây dựng mới, góp phần giữ chuẩn y tế quốc gia nhiều năm liền. Đặc biệt là xã rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình ghi công liệt sĩ, đã đầu tư xây dựng mới Nhà bia ghi danh liệt sĩ xã và 01 địa chỉ đỏ. 4/4 thôn có Nhà văn hóa, các khu vui chơi, giải trí được hình thành như: sân bóng đá, bóng chuyền. Nhờ đó, nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc, góp phần đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Qua 40 năm phấn đấu bền bỉ, bằng các giải pháp tích cực, hiệu quả của các phong trào Giảm nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn Ku Kê,… đến nay xã không còn tình trạng hộ dân thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 10,88% vào năm 2016 đến năm 2022 giảm xuống còn 6,68% và hộ cận nghèo còn 6,67%. Thu nhập bình quân đầu người từ 27,6 triệu đồng vào năm 2015 nâng lên 51,07 triệu đồng vào cuối năm 2023.

Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII), gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm 1984, có 01 chi bộ và 08 đảng viên thì đến nay Đảng bộ xã có 12 chi bộ trực thuộc Đảng bộ với 185 đảng viên. Trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền tiếp tục được nâng lên; tập trung chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nhất là trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường. Vai trò của Hội đồng Nhân dân xã trong quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và hoạt động giám sát được phát huy tốt hơn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Chi bộ và Ban điều hành các thôn thường xuyên được củng cố, kiện toàn góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Xây dựng lực lượng vũ trang xã lớn mạnh, thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh trật tự. Từ khi chia tách xã cho đến nay, lực lượng vũ trang đã kề vai sát cánh cùng với các tổ chức trong hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc trong xã ra sức thi đua, tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lực lượng vũ trang xã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu được nâng lên cùng với lực lượng công an giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức thành công các đợt diễn tập chiến đấu phòng thủ ở xã; diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn,…

Tuy nhiên, quá trình xây dựng, phát triển xã nhà trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển và mong muốn, kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân. Đó là: chưa phát huy tốt tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế xã nhà nhanh, bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng nhiều loại cây trồng còn thấp; giá cả và đầu ra sản phẩm nông nghiệp bấp bênh. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch còn khó khăn, chưa tạo được nền tảng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ. Đời sống của một bộ phận Nhân dân còn khó khăn, thực trạng xã nhà vẫn là xã nghèo, chậm phát triển. Song phải thấy thành quả đạt được là hết sức cơ bản và mở ra triển vọng to lớn cho xã Thuận Minh tiếp tục phát triển toàn diện và vững chắc hơn.

Nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa lịch sử Đảng bộ xã, cũng như những khó khăn, thách thức, thành tựu xây dựng và phát triển của xã nhà trong 40 năm qua và định hướng đi lên của Đảng bộ là đúng đắn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMT TQVN xã Thuận Minh tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập xã như: Phát động thi đua đặc biệt đến các cơ quan, đơn vị đăng ký thực hiện các công trình, phần việc cụ thể; tổ chức hội thi “Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện và xã”; tổ chức giải bóng đá nam (11 người); tổ chức Họp mặt các doanh nghiệp và con em thành đạt ở địa phương;… và dự kiến ngày 25/11/2023 tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập xã Thuận Minh (1983 -2023) và đón nhận khen thưởng của Chủ tịch UBND huyện qua 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển xã nhà theo Thông báo số 308-TB/VPHU, ngày 29/5/2023 của Văn phòng Huyện ủy Hàm Thuận Bắc thông báo ý kiến kết luận của Thường trực Huyện ủy tại cuộc hội ý Thường trực Huyện ủy sáng ngày 29/5/2023 thống nhất cho chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập xã Thuận Minh (28/11/1983-28/11/2023) và Kế hoạch số 85-KH/ĐU, ngày 02/6/2023 của Đảng ủy xã về tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 40 năm thành lập xã Thuận Minh (28/11/1983-28/11/2023)./.


Các tin khác