Mặt trận huyện

Hàm Thuận Bắc: Hội Nông dân huyện tập trung củng cố, xây dựng mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp

Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, Hội Nông dân huyện đã cụ thể hóa, hướng dẫn hội nông dân các xã, thị trấn và cơ sở tổ chức khảo sát, lựa chọn, xây dựng các Chi hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp bảo đảm tiêu chí và nguyên tắc “5 tự”: Tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và “5 cùng”: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Theo đó, mô hình chi hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã xuất hiện trên nhiều lĩnh vực sản xuất như: Chăn nuôi bò, trồng hoa, cây cảnh, trồng cây ăn quả, trồng thanh long… Các mô hình được thành lập đã góp phần hình thành liên kết hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Trong năm tập trung chỉ đạo, triển khai xây dựng 17 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, có 291 người tham gia, nâng số chi Hội nghề nghiệp hiện nay có 23 Chi hội, thu hút 458 người tham gia; xây dựng được 37 tổ Hội nghề nghiệp, có 352 người tham gia, nâng số tổ Hội nghề nghiệp hiện nay có 90 tổ, có 946 người tham gia. Hội Nông dân các cấp trong huyện tuyên truyền, vận động xây dựng đến nay được 90 tổ hợp tác kinh tế, thu hút 2.280 người tham gia và 21 HTX/DVNN, có 253 người tham gia. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội Nông dân trong tình hình mới là cần thiết để nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của Hội trong hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, bảo vệ quyền lợi và xây dựng nông thôn mới.

 Để tập hợp thu hút hội viên nông dân vào tổ chức Hội, Hội Nông dân huyện phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện tạo vốn cho nông dân vay để phát triển sản xuất số tiền 261,279 tỷ đồng/180 tổ/5.513 hộ vay vốn. Ngoài ra nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp là 6,5956 triệu đồng với 43 dự án chăn nuôi bò, đầu tư chăm sóc thanh long, trồng rau an toàn... cho 302 hộ vay vốn để đầu tư vào các mô hình tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ các nguồn vốn trên, nhiều hộ nông dân đã mở rộng quy mô sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, có thêm việc làm và có nhiều hộ từ khó khăn vươn lên, thoát được nghèo, làm giàu.

Để tiếp tục nhân rộng mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân huyện đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí ra mắt các chi, tổ Hội nghề nghiệp và hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư trang thiết bị, phát triển quy mô sản xuất, từ đó, hình thành các mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả, giúp người dân ổn định đời sống. Từ việc nhân rộng mô hình Chi hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ hội viên nông dân cùng ngành nghề liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, thúc đẩy việc hình thành, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Qua đó, có thể thấy mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp tạo được sự gắn kết giữa nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp gắn với xây dựng tổ hợp tác kinh tế, HTX dịch vụ nông nghiệp; đa dạng hóa mô hình tổ chức Hội Nông dân cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả và hỗ trợ hội viên, nông dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay./.


Các tin khác