Tin tức

Hàm Thuận Bắc: Những chuyền biến qua triển khai thực hiện công tác thu gom và xử lý rác thải

  • HN.
  • /
  • 30.9.2019 - 16:39

Trong những năm gần đây nền kinh tế - xã hội của huyện Hàm Thuận Bắc ngày càng phát triển, vì thế mà lượng rác thải ngày càng tăng lên, đã và đang trở thành nổi lo ngại lớn đe dọa đến môi trường và ảnh hưởng sức khỏe của người dân. Vì vậy, ngày 16/02/2017 Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 66-KH/HU, xác định công tác thu gom và xử lý rác thải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các giải pháp thực hiện.

Qua hơn 2,5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 66-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy, công tác thu gom và quản lý rác thải trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả nhất định. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về thu gom và xử lý rác thải, gắn với lồng ghép đưa nội dung tiêu chí về bảo vệ môi trường vào các phong trào thi đua đã giúp cho người dân nâng cao nhận thức và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Đã xuất hiện và nhân rộng nhiều mô hình bảo vệ môi trường như Hội phụ nữ với 271 mô hình “5 không, 3 sạch”, 3 câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, 16 tổ “phụ nữ bảo vệ môi trường”; Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động huyện đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”; Hội nông dân với 73 tổ“Thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật” trên những cánh đồng... Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý những vi phạm về rác thải được chú ý; công tác quy hoạch và xây dựng các công trình bảo đảm vệ sinh môi trường được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, đến nay công tác thu gom và xử lý rác trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Tình hình vứt rác bừa bãi diễn ra phổ biến ở khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Tỷ lệ hộ dân được tổ chức thu gom rác thải chỉ đạt khoảng 30,7% dân số toàn huyện; việc thực hiện phân loại rác ở địa bàn dân cư còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên do ý thức và sự hiểu biết của người dân về bảo vệ môi trường chưa cao; công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa đồng bộ, chặt chẽ; nguồn kinh phí và bộ máy phục vụ cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện, trước tiên cần phải phát huy vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về bảo vệ môi trường và công tác thu gom, xử lý rác thải; cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân những kiến thức về phân loại và xử lý rác thải; tích cực vận động nhân dân tham gia các hoạt động thiết thực và các mô hình bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường; nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề ra biện pháp ngăn chặn và xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp vứt rác bừa bãi tại các khu dân cư, nơi công cộng, tuyến đường, kênh, mương, ao, hồ, sông, suối... Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; cần có cơ chế, chính sách vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải trên địa bàn huyện.

Công tác thu gom và xử lý rác thải là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, kiên trì và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương, cùng với sự đồng thuận và tham gia tích cực của nhân dân. Có như vậy, mới thực hiện hiệu quả công tác thu gom và xử lý rác thải, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị trên địa bàn huyện.


Các tin khác