TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO NÉT ĐẸP VĂN HÓA VIỆT NAM

Truyền thống tôn sự trọng đạo là một nét đẹp đã tồn tại hàng ngàn năm trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Nét đẹp ấy được các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là vào dịp chúc tết các thầy, các cô nhân ngày Nhà giáo Viêt Nam 20/11.

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) được tổ chức hằng năm không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục – đào tạo tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính với thầy cô mà còn là dịp để  xã hội tôn vinh, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học - Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng gạo nhất trong những nghề sáng tạo.

Có thể nói hiếu học là truyền thống của dân tộc ta và vì hiếu học nên cũng quý và tôn trọng người đã khai sáng, dạy chữ cho mình. Hiếu học và quý trọng người thầy đã trở thành truyền thống ngàn đời trong đời sống ứng xử của người Việt Nam, được cô đọng và đúc kết trong bốn chữ: “tôn sư trọng đạo”.

“Tôn sư” nói lên lòng tôn kính người thầy, bao gồm sự kính trọng, lòng biết ơn và thương mến của người học trò đối với thầy. Theo tinh thần của Nho học trong xã hội phong kiến Việt Nam thì “trọng đạo” là sự đánh giá cao đạo lý của người thánh hiền xem như mẫu mực để người đời noi theo. Đạo lý ở đây chính là luân lý đạo đức và thánh hiền chính là Khổng Tử.

Tinh thần “tôn sư trọng đạo” còn được khẳng định, đúc kết qua ca dao, tục ngữ: "Không thầy đố mày làm nên", "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy"... Vai trò của người thầy thấm đẫm trong lời ru, tiếng hát của mẹ. Nó đã trở thành bài học giáo dục đầu tiên của mẹ đối với con:

 “Bồng bồng mẹ bế con sang

Đò dọc qua cấm, đò ngang không chèo

Muốn sang thì bắc Cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã trở thành nét đẹp trong văn hóa Việt tồn tại qua hàng ngàn năm. Không những thế, nó còn được nâng lên thành đạo lý thầy trò và luôn được người Việt tôn trọng, giữ gìn trong tâm thức của mình.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức rõ vai trò của giáo dục, coi giáo dục là: “quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển và nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý của giáo dục là phải tập trung thực hiện mục tiêu: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”. Những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo và triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, trong đó trọng trách lớn nhất được giao cho người thầy, những chiến sĩ cách mạng trong lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, vị trí, vai trò, nhiệm vụ của người thầy đối với nền giáo dục nước nhà càng trở nên hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Với tư cách là những người làm công tác giáo dục, chúng ta luôn xác định rõ  vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình để truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo luôn là nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam; phải luôn tìm tòi, sáng tạo không ngừng rèn luyện, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, phải năng động, sáng tạo, linh hoạt, có phương pháp làm việc khoa học, có ý chí vượt khó và đặc biệt phải có tâm huyết với nghề  mà mình đã  chọn.

Đặc biệt hiện nay, khi đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế thì đầu tư vào nguồn lực con người là giải pháp hàng đầu. Để thực hiện được điều đó, nhất thiết phải đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục – đào tạo và người thầy với sự mệnh khó khăn và vinh quang của mình là đào tạo những con người mới XHCN lại càng có vai trò đặc biệt quan trọng; đồng thời truyền thống “tôn sư trọng đạo” phải được khuyến khích, phát huy. Bởi trong giáo dục - đào tạo hiện nay bên cạnh giáo dục - đào tạo người học thành người có tài thì việc giáo dục đạo đức lại càng quan trọng hơn để góp phần đào tạo được con người “vừa hồng, vừa chuyên” đúng như lời Bác Hồ đã dạy. 


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO