Hàm Thuận Bắc: Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị 49 của Ban Bí thư

  • V&Q
  • /
  • 30.9.2020 - 20:11

Huyện Hàm Thuận Bắc có 14 dân tộc thiểu số (gọi tắt đồng bào) ở 3 xã thuần, 5 thôn xen ghép với hơn 15.991 người, đa số là đồng bào K’ Ho, Chăm và Raglay (Rai)…, sống chủ yếu bằng nghề nông. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được kết quả đáng ghi nhận.

Phát triển cây cao su ở xã La Dạ

Huyện ủy, UBND huyện quan tâm công tác chỉ đạo triển khai thực hiện. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là vùng đồng bào về công tác này tiếp tục được nâng lên. Tinh thần của Chỉ thị này được cụ thể hóa thành những chủ trương, kế hoạch và việc làm cụ thể gắn với các phòng trào thi đua yêu nước, thực hiện dân vận chính quyền, dân vận khéo. Nhờ đó thu được nhiều quả ngọt trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - trật tự vùng đồng bào.

          Chính quyền vùng đồng bào công khai đầy đủ các chương trình, mục tiêu quốc gia về đầu tư xây dựng, phát triển miền núi, Chương trình 135.... Khi ban hành các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải xuất phát lợi ích, nguyện vọng chính đáng của đồng bào. Huyện và xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa thiết yếu trị giá hàng chục tỷ đồng (chưa kể kinh phí đầu tư tuyến đường giao thông chính qua vùng đồng bào); xây dựng giải pháp sử dụng hiệu quả các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi đã đầu tư, đồng thời tu bổ kịp thời khi xuống cấp.

          Mặt trận, đoàn thể các cấp tăng cường xuống cơ sở, bằng nhiều hình thức tập hợp, gặp gỡ, lắng nghe, tuyên truyền, giải thích chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào hiểu và thực hiện và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giúp đồng bào vay vốn phát triển kinh tế, xoá tập tục sản xuất lạc hậu, tự lực vươn lên; mở 94 lớp bồi dưỡng, tấp huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, làm kinh tế cho hơn 3.200 lượt đồng bào; giám sát, phản biện xã hội đối với các chế độ, chính sách cho vùng đồng bào; tích cực thực hiện công tác xã hội, như vận động 26.232 xuất quà, trị giá hơn 10 tỷ đồng; phối hợp với các cơ quan trợ cấp thường xuyên cho đồng bào thuộc diện bảo trợ xã hội, cấp thẻ BHYT cho đồng bào; vận động các cơ quan đỡ đầu cho các hộ nghèo thật sự khó khăn; tham gia xét hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng vốn từ Chương trình 135, hỗ trợ cho 389 hộ đồng bào về phân bón, cây giống, vật nuôi để phát triển sản xuất; thực hiện nhiều mô hình hay như chuyển trồng lúa sang cây bắp, đậu tại xã Đông Tiến; trồng đậu xanh tại xã Đông Giang; trồng lúa giống xác nhận và bắp lai tại xã La Dạ...vv.

Trong 5 năm, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn kết hợp ứng dụng kỹ thuật để tiếp tục phát triển, tăng năng suất, chất lượng các cây lúa nước, bắp, cao su, điều… Năng suất bình quân các cây trồng đạt khá, lúa hơn 54 tạ/ha, bắp 56 tạ/ha, cây cao su, khai thác trên 298 tấn mủ, trị giá hơn 3.170 triệu đồng, đang thực hiện Đề án “Tái canh vườn cao su theo Chương trình 327 tại xã Đông Giang và La Dạ”. Sau 5 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng, số hộ được cấp đất sản xuất, dùng nước hợp vệ sinh, điện sinh hoạt, điện thoại, internet và số người được đào tạo nghề, có việc làm tăng; số hộ cận nghèo giảm; chăm lo giáo dục, y tế cho đồng bào.

          Tuy nhiên, qua thực hiện cho thấy sự chuyển biến về dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào có mặt chậm, đời sống một bộ phận đồng bào còn khó khăn;   thủy lợi một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ chưa theo kịp yêu cầu mới;  tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của huyện, nguy cơ tái nghèo cao trước diễn biến thời tiết và dịch bệnh phúc tạp...vv. Do vậy, trong thời đến các cấp, ngành, địa phương liên quan phải tiếp tục phổ biến, quán triệt Chỉ thị 49 và các văn bản về công tác dân vận vùng đồng bào nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; tăng cường chỉ đạo công tác dân vận chính quyền gắn với thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể và giám sát của đồng bào trong thực hiện chủ trương, chính sách, dự án liên quan đến đồng bào; thực hiện đầy đủ, đúng Quy chế dân chủ cơ sở ở vùng đồng bào; tiếp tục quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng chất lượng hoạt động của cán bộ, công chức gắn với củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với việc thực hiện công tác dân vận của chính quyền và mặt trận, các đoàn thể, người đứng đầu các cơ quan nhà nước thuộc huyện để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân làm tốt công tác dân vận vùng đồng bào.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO