Trong nông nghiệp: Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chú trọng khâu giống, thời vụ, phòng trừ dịch bệnh và xây dựng các mô hình khuyến nông đối với cây trồng lợi thế của địa phương như lúa, thanh long, điều, đậu phộng, rau xanh; tiếp tục chuyển đổi, phát triển cây trồng, con nuôi lợi thế, chủ lực địa phương, trọng tâm là cây thanh long, từng bước hình thành vùng chuyên canh cao su, cà phê, cây ăn quả và chăn nuôi bò, heo, gà, vịt... Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai thường xuyên, hạn chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được tăng cường, đến nay cơ bản cơ giới hóa khâu làm đất, vận chuyển và 80% khâu thu hoạch lúa. Mở hơn 600 lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật cho hơn 27.000 lượt người dự. Triển khai nhiều mô hình khuyến nông: 11 mô hình trên cây lúa với diện tích trên 950 ha; 7 mô hình trên cây thanh long và triển khai quy trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; 7 mô hình trên cây trồng khác với diện tích 113 ha. Thực hiện 4 đề tài chuyển giao tiến bộ khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: trồng cây ca cao dưới tán vườn điều ở Thuận Hòa, nuôi dông - thỏ kết hợp ở Thuận Hòa, nuôi chim bồ câu Pháp quy mô bán công nghiệp ở Hồng Liêm và trồng mít ruột đỏ ở Hàm Phú.
Trong công nghiệp, xây dựng: Huyện luôn tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai các dự án tại các cụm công nghiệp Ma Lâm, Phú Long, Hàm Đức; một số dự án đã đi vào hoạt động, từng bước mở rộng quy mô như Công ty may Phú Long, Nhà máy thủy điện Đan Sách 2 và Đan Sách 3...; một số cơ sở kinh tế tư nhân tự đầu tư trang thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng năng xuất sản xuất và giảm tác động ô nhiễm môi trường như Nhà máy Đường hạn chế dùng nhiên liệu hóa thạch để đốt mà tận dụng bã mía và vỏ trấu vừa kết hợp với các doanh nghiệp khác sản xuất phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp; đội ngũ kỹ sư, công nhân áp dụng khoa học- kỹ thuật về xây dựng để thi công các công trình giao thông, thủy lợi, trụ sở cơ quan nhà nước và tư nhân đạt chất lượng; từ năm 2015 tỷ lệ sử dụng gạch không nung trong xây dựng đạt trên 50% góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.
Về y tế, giáo dục: Bệnh viện đa khoa huyện đã đầu tư xây mới với nhiều phòng, khoa chức năng được trang bị máy móc hiện đại, đội ngũ y bác sĩ nâng lên về trình độ, y đức; các trạm y tế cơ sở được nâng cấp, sửa chữa, được trang bị 13 máy điện tim, 13 máy siêu âm và 15 máy đường huyết, cơ bản phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; có 11/15 trạm y tế được công nhận đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Có thêm 23 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% cán bộ quản lý, giáo viên đều có trình độ chuyên môn đạt chuẩn; các trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nhất là thực hiện đưa giáo án điện tử vào giảng dạy; sử dụng các phần mềm để quản lý điểm các môn học của học sinh; đội ngũ giáo viên hăng hái viết sáng kiến kinh nghiệm, đã có 498 sáng kiến được công nhận.
Ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo, bồi dưỡng: Trang bị máy vi tính có kết nối mạng internet, mạng nội bộ và cài đặt phần mềm chuyên ngành nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác chuyên môn nhanh chóng và thuận lợi. Các cơ quan khối hành chính triển khai ứng dụng công nghệ thông tin lập hồ sơ điện tử theo cơ chế một cửa liên thông để theo dõi giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức và công dân; sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số, thư điện tử công vụ, phần mềm một cửa điện tử... Các cơ quan khối Đảng thực hiện kết nối mạng nội bộ diện rộng của Đảng; cơ quan Huyện ủy, UBND huyện đã lắp đặt, sử dụng thiết bị bảo mật truyền hình trực tuyến; cử hơn 550 lượt cán bộ, công chức, viên chức hành chính, giáo dục, y tế đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 20 đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế, vì vậy trong thời gian đến cần chú ý: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các văn bản của Đảng và Nhà nước có liên quan về khoa học và công nghệ, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức sản xuất, kinh doanh và mỗi người dân. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học, chọn lọc và đưa vào sản xuất đại trà các giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế, phù hợp với điều kiện từng địa phương; xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là chương trình phần mềm để phục vụ công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành ở các cơ quan, đơn vị; tiếp tục xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động điểm khai thác thông tin ở các xã, thị trấn phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Nâng cao chất lượng nội dung chương trình giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương trong trường học. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, y tế, giáo dục; thực hiện tốt chế độ, chính sách đãi ngộ và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ cán bộ chuyên ngành phát huy năng lực, sở trường trong việc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm và ứng dụng khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực./.