Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện năm 2012 ước thực hiện 1.447,5 tỷ đồng, đạt 96,5% kế hoạch năm (1.500 tỷ đồng), tăng 4,7% so với năm 2011; trong đó: khu vực quốc doanh đạt 55 tỷ đồng, khu vực ngoài quốc doanh đạt 1.392 tỷ đồng.
Giá trị tăng thêm chủ yếu thuộc một số ngành nghề với các sản phẩm như bao bì, đá xây dựng, gạch block (gạch không nung), các sản phẩm từ gỗ, quần áo may sẵn, nhân hạt điều, bánh tráng, đường cát,…tiếp tục phát triển và nâng chất lượng, trong đó sản phẩm quần áo may sẵn và nhân hạt điều có thị trường xuất khẩu khá ổn định; các sản phẩm khác như: bao bì, đá xây dựng, gạch không nung, đồ gỗ mỹ nghệ,…được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, như: Nhà máy sản xuất bao bì của DNTN Phương Giang, Công ty TNHH may Phú Long, Công ty TNHH may Phú Long 2, Công ty TNHH MK SUGAR Việt Nam (Nhà máy đường), Công ty TNHH Dung Đại Hưởng (thị trấn Ma Lâm), Công ty TNHH Nhật Tiến (Thôn Tầm Hưng-Ma Lâm)… Phối hợp với Trung tâm Khuyến công Bình Thuận, hướng dẫn đăng ký 03 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, gồm: Lục bình gỗ (Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Lan Lê - xã Hàm Chính), mủ trôm Vĩnh Hảo Ozon O3 “dành cho người ăn kiên” và mủ trôm Vĩnh Hảo Ozon O3 “hương vị tự nhiên”(Công ty Cổ phần mủ trôm Vĩnh Hảo-xã Hàm Thắng); kết quả được bình chọn 02 sản phẩm tiêu biểu là mủ trôm Vĩnh Hảo Ozon O3 “dành cho người ăn kiên” và mủ trôm Vĩnh Hảo Ozon O3 “hương vị tự nhiên”. Công ty TNHH May Phú Long tiếp tục đầu tư xây dựng Xưởng may Phú Long 2 (16 chuyền may, 800 chỗ làm cho công nhân), tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng và đã hoàn thành đưa vào hoạt động trong tháng 4/2012. Dự án nhà máy sản xuất dây khóa kéo các loại của Công ty TNHH Phụ liệu may Kao Shing (tại Cụm công nghiệp Hàm Đức) đã được UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hiện nay chủ đầu tư đang phối hợp với các ngành của huyện và UBND xã Hàm Đức thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân, để triển khai các bước tiếp theo.
Về phát triển mạng lưới điện quốc gia. Công ty Điện lực Bình Thuận thực hiện thay dây nâng cấp 3 pha chống quá tải các nhánh rẽ trung thế 479 trên địa bàn huyện, tổng chiều dài 15,9km, vốn đầu tư hơn 4,3 tỷ đồng (thôn Dân Trí-Thuận Hòa, thôn Hội Nhơn và Trũng Liêm-Hàm Chính, thôn 2-Thuận Minh, thôn Phú Thái-Hàm Trí). Điện lực Hàm Thuận Bắc phối hợp với UBND xã Đa Mi, hướng dẫn các hộ dân góp vốn đầu tư công trình điện hạ thế dài 3,635 km, lắp đặt 75 điện kế, tổng vốn đầu tư 506 triệu đồng (dân đóng góp 100%) phục vụ sinh hoạt cho 85 hộ dân thôn Đa Tro, xã Đa Mi. Đầu tư nâng cấp sửa chữa gần 84 công trình điện hạ thế, với chiều dài hơn 44,5 km, nâng công suất 06 trạm biến áp, dung lượng 262,5KVA, tổng giá trị đầu tư 2,679 tỷ đồng; phát triển thêm 733 hộ sử dụng điện/kế hoạch năm 2012 là 785 hộ, đạt 93,4%KH năm, nâng tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt trên địa bàn huyện đến nay lên 41.615hộ/42.107hộ, đạt tỷ lệ 98,8%.
Năm 2013, trong tình hình chung còn khó khăn, các ngành, các cấp cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn huyện, nhằm thực hiện đạt mục tiêu phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện (khoá X) đã đề ra./.
Minh Thư