Bởi cây dừa hơn 7 năm tuổi, tầng lá vươn lên ở độ cao từ 2- 2,5m so với mặt đất. Những khoảng đất trống rộng lớn giữa các hàng dừa, mà từ trước đến nay, hầu hết nhà vườn nào cũng bỏ không. Tận dụng khoảng đất này, bước đầu chị trồng 20.000 gốc đinh lăng trên diện tích 1 ha. Do đinh lăng có chiều cao tối đa chỉ khoảng 1,5m. Nên mặc dù gốc đinh lăng chỉ trồng cách gốc dừa khoảng 60cm, nhưng tán lá của hai cây cùng phát triển tốt khi ở các tầng khác nhau.
Kỹ sư Trần Hoài Việt – Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Thiên Đường, tỉnh Tây Ninh cho biết: khi trồng xen đinh lăng dưới tán cây dừa, hai cây này có tác dụng tương hỗ lẫn nhau. Bởi ở tầng trên, đinh lăng được lá dừa bao phủ, hạn chế những tia nắng lọt qua. Ở dưới nền đất, ánh sáng hầu như ít khi lọt qua được, bởi tán lá đinh lăng bao phủ, vì vậy cũng hạn chế cỏ dại. Đối với đinh lăng, khi trồng xen dưới bóng râm, tốc độ phát triển nhanh gấp 3 lần so với trồng độc canh đinh lăng ngoài nắng. Khi trồng xen đinh lăng, trong quá trình chăm sóc, một năm bón 4 lần phân hữu cơ vi sinh chuyên dụng cho đinh lăng, cây dừa cũng được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, giúp cho cây càng thêm xanh tốt, cho nhiều trái hơn. Về phần quang hợp, cây đinh lăng cung cấp lượng ôxy ngày và đêm cho dừa, ngược lại, dừa cũng cung cấp ôxy cho đinh lăng.
Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của chị Thảo đã biến vùng đất cát pha Giồng triền thôn 3, xã Hồng Sơn khô khốc ngày nào rợp bóng vườn dừa xanh. Nơi chân cát được dừa che chở, bảo vệ, chống nước cuốn trôi vào mùa mưa và lá chắn chống cát bay mùa khô làm cho vùng đất trở nên phì nhiêu, màu mỡ, làm cho môi trường, khí hậu nơi đây trở nên mát dịu, trong lành. Đặc biệt thật là lý tưởng cho đinh lăng, một loại cây trồng dược liệu, hầu như không có sâu bệnh, nên không mất chi phí, công sức trừ sâu và dễ dàng xử lí sạch đúng tiêu chuẩn.
Chị Thảo cho biết thêm: để cho loại cây trồng này phát triển bền vững, chị đã dày công tìm hiểu, hợp đồng với Công ty cổ phần nông nghiệp Thiên Đường, tỉnh Tây Ninh sản xuất đinh lăng theo hình thức liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trồng 1 ha đinh lăng, tổng chi phí khoảng 170 triệu đồng, tiền giống, phân bón và hệ thống tưới. Sau 9 tháng hoặc chậm nhất 1 năm kể từ khi trồng, có thể thu hoạch thân và lá đinh lăng lần thứ nhất. Sau đó cứ khoảng 6 tháng, Công ty cổ phần nông nghiệp Thiên Đường, tỉnh Tây Ninh sẽ thu hoạch thân và lá một lần. Với giá bao tiêu theo lá tươi 2.000 đồng/kg; thân, cành tươi 15.000 đồng/kg. Sau 5 năm trồng sẽ thu hoạch toàn bộ thân, lá, củ, rễ cây đinh lăng. Lúc bấy giờ mỗi gốc đinh lăng đạt trọng lượng từ 5-8kg; hạch toán trung bình mỗi gốc 5kg x 30.000 đồng=150.000 đồng/gốc; 150.000 đồng x 20.000 gốc đinh lăng/1ha, nông dân sẽ thu được 3 tỷ đồng; cộng với thu nhập cành, lá liên tục trong 5 năm 1,7 tỷ; nông dân sẽ có thu nhập đến 4,7 tỷ đồng sau 5 năm trồng 1 ha đinh lăng-theo hạch toán của Kỹ sư Trần Hoài Việt – Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Thiên Đường, tỉnh Tây Ninh.
Chị Thảo-chủ vườn dừa chia sẻ: từ khi trồng xen đinh lăng, dừa đóng trái nhiều hơn, năng suất, sản lượng tăng gấp 2 đến 3 lần so với trước. Như vậy, trồng xen cây đinh lăng dưới tán dừa sẽ cho thu nhập kép từ 2 loại cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Bà Phạm Thị Lựu – Chủ tịch Hội nông dân xã Hồng Sơn cho biết: Toàn xã Hồng Sơn có khoảng 800ha đất cát pha với gần 800 hộ dân trực tiếp sản xuất cây dừa. Một vùng đất đầy tiềm năng, nhiều triển vọng phát triển cây đinh lăng xen canh, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhận thấy mô hình trồng đinh lăng xen dưới tán dừa nhiều triển vọng của chị Thảo, anh Nguyễn Hoàng Vũ ở thôn 7, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc đã thực hiện nhân rộng 20.000 cây đinh lăng vào vườn dừa của gia đình nơi chân cát Giồng Triền.
Phương thức trồng xen canh cây đinh lăng dưới tán dừa theo hình thức liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp của chị Thảo ở thôn 3, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc đã mở ra một lựa chọn mới đối với cây trồng phù hợp cho nông dân xã nhà, giúp bà con nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và cải thiện cuộc sống./.