Qua 8 năm triển khai thực hiện các cấp Hội tập trung tuyên truyền sâu kỹ về nội dung Nghị quyết số 04 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến với hội viên, nông dân đồng thời hướng dẫn Hội cơ sở vận động hội viên nông dân tham gia thành lập các tổ hợp tác sản xuất kinh doanh.
Song song với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, các cấp Hội Nông dân trong huyện tích cực triển khai các giải pháp nhằm giúp hội viên nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, chung sức vào sự nghiệp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; đã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến đến hội viên, nông dân và các tầng lớp Nhân dân về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế tập thể. Thực hiện hỗ trợ hội viên, nông dân về vốn, vật tư, khoa học kỹ thật, đào tạo nghề giúp hội viên nông dân nâng cao kiến thức, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành các nhóm nông dân cùng sở thích, tạo tiền đề thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn.
Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gửi đến Hội Nông dân các xã, thị trấn các ban, ngành liên quan để phối hợp thực hiện. 8 năm qua thực hiện, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã vận động, tư vấn, hướng dẫn thành lập được 27 tổ hợp tác, có 539 tổ viên tham gia, đến nay các tổ hợp tác có hiệu quả như ở xã: Hàm Trí, Hồng Sơn, Hàm Đức, Phú Long, Thuận Minh liên kết sản xuất an toàn; Hồng Liêm, Hàm Đức, Hàm Liêm theo mô hình chăn nuôi hiệu quả; Hàm Tí, Hàm Phú sản xuất lúa giống xác nhận; Ma Lâm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP… Toàn huyện có 17 HTX, trong đó có 14 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 3 HTX ngành nghề, thành lập 124 tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP, có 3.652 hộ tham gia thực hiện, qua đó hoạt động của HTX và tổ hợp tác trong nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, đã góp phần đáng kể vào việc phát triển KT-XH. Các HTX dịch vụ nông nghiệp đã hỗ trợ rất lớn cho việc sản xuất của xã viên nghèo, thiếu vốn sản xuất.
Tổ hợp tác chăn nuôi bò tại thôn 7, xã Hàm Đức.
Trong thời gian qua, đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân đóng góp hơn 55,02 tỷ đồng, 45.393 ngày công lao động, sửa chữa và làm mới hơn 846,9 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa, sửa chữa, nạo vét hơn 3.303,5 km kênh mương nội đồng, đã sửa chữa và làm mới 29 cầu, cống và các công trình khác… hiến trên 83.910m2 đất (Hồng Sơn, Thuận Minh, Hàm Chính, Hàm Đức, Ma Lâm) để xây dựng đường giao thông thôn, xóm. Phong trào ánh sáng nông thôn đã thực hiện ở một số xã, thị trấn như Hồng Sơn, Hàm Đức, Hàm Chính, Hàm Trí, Thuận Hòa, Thị trấn Ma Lâm và nhân rộng ra các xã, thị trấn còn lại. Từ năm 2011 đến nay, hàng năm có gần 27.000 hộ hội viên nông dân đăng ký thi đua và có trên 26.000 hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu “Gia đình nông dân văn hoá”. Toàn huyện có trên 11.000 hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 520 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và TW, đạt mức thu nhập khá và giàu (trên 500 triệu/hộ/năm); Hội phối hợp với các cở sở đào tạo nghề của huyện, tỉnh đã mở 286 lớp cho 7.645 hội viên, nông dân.Tỷ lệ đào tạo nghề nông thôn chiếm trên 85%; tỷ lệ nông dân sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó Hội phối hợp với các ban, ngành của huyện, tỉnh mở 2.182 lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho 108.925 lượt hội viên, nông dân; Hội còn phối hợp các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho nông dân, đã cung ứng hơn 264.420 bóng đèn Compact theo phương thức trả chậm trong vòng 3 tháng và hỗ trợ giá cho nông dân gần 600 triệu đồng. Phối hợp Công ty phân bón Sông Lam 333 cung ứng vật tư nông nghiệp có hỗ trợ giá, trả chậm cho nông dân, đã cung ứng cho nông dân hơn 1.022 tấn phân bón cho nông dân với số tiền 3,5 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến năm 2017, các cấp Hội trong huyện đã vận động hơn 400 triệu đồng, nâng Quỹ HTND nguồn huyện và xã lên 775,48 triệu đồng. Tổng nguồn vốn Quỹ HTND đến nay Hội đang quản lý là 4.125,485 triệu đồng/313 hộ vay/33 dự án.
Hội tiếp tục thành lập, củng cố các Tổ liên kết vay vốn, tín chấp cho hội viên, nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh dư nợ lên 55,858 tỷ đồng/77 tổ/1.263 hộ vay. Thực hiện Hợp đồng nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện, dư nợ hiện nay lên 87,618 tỷ đồng/95 tổ/3.841 hộ vay, hàng năm đã giải quyết cho hàng ngàn lượt hộ vay xoay vòng. Hội tham gia quản lý tốt nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm (vốn 120) nguồn Trung ương Hội đầu tư 180 triệu/1 dự án/10 người vay, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động (ở Hàm Phú); nguồn vốn Liên Minh hợp tác xã Bình Thuận đã hỗ trợ cho 3 tổ hợp tác 200 triệu/3 dự án/18 hộ vay, giải quyết 38 lao động có việc làm. Nhờ các nguồn vốn, nhiều hộ nông dân đã mở rộng quy mô sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, trong đó nhiều dự án đã đầu tư cho các thành phần kinh tế tập thể.
Với sự vào cuộc tích cực của Hội Nông dân các cấp trong huyện đã giúp hội viên, nông dân hình thành tư duy mới trong sản xuất, liên kết cùng phát huy thế mạnh phát triển sản xuất tập thể, khẳng định vị thế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời gian đến./.