Tin tức

Hàm Thuận Bắc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, giải pháp để xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh

Theo quy định của Điều lệ Đảng, đảng ủy, chi ủy, chi bộ cơ sở; chi ủy, chi bộ trưc đảng ủy cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần, họp bất thường khi cần. Để giúp các cấp ủy, chi bộ nâng cao chất lượng, nội dung sinh hoạt, ngày 30/3/2007, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 10-CT/TW về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; ngày 02/3/2012 Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 24/10/2013 Ban Tổ chức Tỉnh ủy có các Hướng dẫn về nội dung, quy trình sinh hoạt chi bộ theo từng loại hình và ngày 11/11/ 2014 Ban Thường vụ Huyện ủy có Đề án 02-ĐA/HU về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố. Song chất lượng, nội dung sinh hoạt chi bộ lại phụ thuộc nhiều vào vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chi ủy, chi bộ và từng đảng viên.

Nhìn chung các cấp ủy, chi bộ trên địa bàn huyện thời gian qua chấp hành khá tốt chế độ sinh hoạt theo quy định, nội dung sinh hoạt có sự chuyển biến tích cực hơn so với trước đây. Những chi bộ có chi ủy, trước khi họp chi bộ đều tổ chức họp để trao đổi, bàn bạc thống nhất nội dung sinh hoạt chi bộ; những chi bộ chỉ có bí thư, phó bí thư thì hội ý, thống nhất nội dung trước khi họp chi bộ định kỳ. Trước khi kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng qua, xác định phương hướng, nhiệm vụ tháng tới, các cấp uỷ, chi bộ tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; sinh hoạt thông tin công tác tư tưởng do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát hành; liên hệ kiểm điểm việc thực hiện chương trình hành động của cấp uỷ trong việc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của từng đảng viên đã được chi bộ phân công. Đồng thời đôn đốc, nhắc nhở đảng viên thường xuyên liên hệ tự phê bình và phê bình với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; cam kết thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ngoài thực hiện nội dung sinh hoạt theo hướng dẫn, thì vai trò điều hành sinh hoạt chi bộ của đồng chí bí thư có nhiều chuyển biến tiến bộ. Nhiều nơi người chủ trì quan tâm gợi ý những nội dung quan trọng để đảng viên thảo luận. Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, thì dành thời gian thoả đáng để chi bộ thảo luận, phân tích, đánh giá thật kỹ, sau đó mới kết luận và biểu quyết từng nội dung cụ thể. Nhiều chi bộ đã chủ động lựa chọn chuyên đề là những vấn đến khó khăn, phức tạp trong quá trình lãnh đạo để đưa vào nội dung sinh hoạt, làm không khí sinh hoạt sôi nổi, đảng viên tham gia phát biểu nhiều hơn, đi thẳng vào trọng tâm. Nhiều đảng viên trẻ có sự tự tin, trưởng thành hơn, do thường xuyên tham gia thảo luận, góp ý xây dựng tập thể; bên cạnh đó nhiều đảng viên lớn tuổi thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong sinh hoạt, phát huy dân chủ, nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, thương yêu đồng chí; gợi mở, động viên, tạo điều kiện để đảng viên trẻ, đảng viên ít phát biểu ý kiến được thể hiện chính kiến của mình tham gia đóng góp xây dựng chi bộ, nhờ đó năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng có mặt nâng lên, lãnh đạo địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị đề ra.

Tuy nhiên, chất lượng sinh hoạt chi bộ nâng lên chậm; quy trình, nội dung sinh hoạt có nơi chưa bám sát hướng dẫn của cấp trên, vẫn giữ nề nếp sinh hoạt cũ, chưa chú ý đổi mới nội dung. Không khí sinh hoạt cấp ủy, chi bộ còn trầm, đảng viên ít tham gia phát biểu, đồng ý với ý kiến người chủ trì. Có chi bộ cả cuộc họp, đảng viên không có ý kiến thảo luận, nên nội dung triển khai cũng chính là kết luận, là nghị quyết của chi bộ, hoặc thảo luận về những vấn đề không thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ. Nhiều chi bộ trường học, y tế, sinh hoạt chi bộ như diễn đàn để bàn chuyên môn; có nơi dành quá nhiều thời gian để phổ biến các văn bản của cấp trên, làm hạn chế đến việc thảo luận, bàn bạc những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng chi bộ. Có nơi vẫn còn tình trạng bỏ sinh hoạt chi bộ một vài kỳ trong năm. Nhiều chi bộ chưa tổ chức sinh hoạt chuyên đề để bàn bạc, thảo luận, đề ra giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình lãnh đạo theo quy định. Công tác giáo dục, quản lý đảng viên ở một số chi bộ thiếu chặt chẽ, có nơi lỏng lẻo, để đảng viên bỏ sinh hoạt chi ủy, chi bộ không lý do, hoặc đảng viên sinh hoạt không mang theo sổ, không ghi chép nội dung…nhưng các cấp ủy đảng chậm kiểm điểm xử lý, chấn chỉnh. Trong đấu tranh tự phê bình và phê bình còn tình trạng nễ nang, sợ mích lòng, thấy đúng không bảo vệ, thấy thấy sai không dám đấu tranh; cũng có trường hợp lợi dụng đấu tranh phê bình để hạ thấp uy tín của nhau, gây ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ. Từ những hạn chế, tồn tại trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động và vai trò lãnh đạo của một số tổ chức đảng.

Đảng bộ huyện có 39 tổ chức cơ sở đảng với 243 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Nâng cao chất lượng, nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết để xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Do vậy, từng cấp ủy, chi bộ phải thật sự coi trọng việc sinh hoạt định kỳ, trong đó phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chủ trì sinh hoạt, chủ động gợi mở nội dung thảo luận, tổ chức sinh hoạt chuyên đề để mỗi đảng viên đều tham gia đóng góp xây dựng chi bộ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, từ đó tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên do Điều lệ Đảng quy định và các nhiệm vụ được chi bộ phân công; tăng cường ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình; tình đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí trong chi bộ; qua đó nắm chắc tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên; có biện pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ đảng viên và xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh. Đồng thời cấp ủy cấp trên thường xuyên phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt ở những chi bộ gặp khó khăn để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót, giúp chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt.

Việc đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ phải gắn liền với thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho mọi đảng viên nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ và của cấp ủy cấp trên; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng là một trong những biện pháp tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)./.


Các tin khác