Tin tức

Chị Trần Thị Liên- người hội viên vượt khó vươn lên

Chị Trần Thị Liên, sinh năm 1967, sinh ra và lớn lên tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Năm 1975, chị cùng gia đình đi kinh tế sinh sống tại thôn Phú Điền, xã Hàm Phú. Năm 1990, chị lập gia đình và sinh được 2 người con trai, con còn nhỏ thì chồng chị bị bệnh nặng qua đời, để lại cho chị gánh nặng gia đình vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi nấng 2 con ăn học và trưởng thành. 

Chị Trần Thị Liên.

Gia đình chị chỉ có 5 sào ruộng được Nhà nước cấp theo bình quân nhân khẩu nên cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn; chồng mất, con còn nhỏ, nợ nần chồng chất vì vay mượn tiền lo thuốc than cho chồng; mặc dù chồng đã mất, con còn nhỏ nhưng với ý chí kiên cường, không khuất phục trước những khó khăn, chị quyết tâm vươn lên bằng đôi bàn tay và chính sức lao động của mình, chị tìm đến Hội để được giúp đỡ, biết được điều kiện, hoàn cảnh của chị Liên, chi hội Phụ nữ thôn Phú Điền đã giúp chị tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội, lúc đầu chị được Ngân hàng cho vay 10 triệu đồng, từ nguồn vốn đó chị đã đầu tư chăn nuôi gà và vịt nhỏ lẽ tại hộ gia đình, dần dần chị nhân rộng ra thêm, với đức tính chịu thương, chịu khó trong lao động, chị cải tạo đất xung quanh nhà khoảng trên dưới 1.000m2, chị trồng 20 cây dừa, phần còn lại chị đào ao thả cá, trồng rau để cải thiện bữa ăn trong gia đình và đảm bảo nguồn rau sạch; không dừng lại ở đó chị tiếp tục vay vốn Ngân hàng nông nghiệp số tiền 50 triệu đồng để đầu tư trồng 500 trụ thanh long và đào ao để tích trữ nước tưới thanh long, đến nay thanh long gia đình chị đã được 4 năm tuổi, với bản tính chất phát, chịu thương, chịu khó, cần cù, ham học hỏi và tính sáng tạo trong lao động chị đã vận dụng vào việc trồng gừng trong bao xi măng bằng cách là vô đất, vô phân vào các bao xi măng thu lượm được từ các công trình xây dựng, chị trồng được khoảng 1.000 bao gừng, cuối vụ thu hoạch khoảng 2kg/bao, giá bán giao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, chị thu được khoảng 20.000.000 đồng/năm.

Trong những năm gần đây, ngoài việc mở rộng mô hình “vườn ao chuồng” của gia đình và trồng gừng, chị còn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm về cách trồng cây hoa trường sanh để bán trong dịp Tết Nguyên Đán. Năm 2015, chị bắt đầu bắt tay vào trồng cây trường sanh, lúc đầu chị chỉ trồng thí điểm trên dưới 150 cây; chị học tập cách trồng và chăm sóc cây từ bạn bè, trên mạng và sách báo, không phụ lòng người, Tết 2015 chị bán với giá 70.000đ/cây và năm 2016 chị phấn khởi với kết quả đạt được bước đầu, chị tiếp tục đầu tư trồng nhiều hơn cũng bằng cách trồng trong bao xi măng và chị trồng lên đến 300 cây; cuối năm 2016, chị bán sĩ cho nhà thu mua với giá 65.000đ/cây. Với thu nhập từ 500 trụ thanh long, mô hình vườn ao chuồng, trồng gừng và trường sanh giúp gia đình chị thoát khỏi cảnh nghèo khó vươn lên khá giả. Không chỉ lo kinh tế gia đình, chị Liên còn vận động những chị em phụ nữ khác cùng nhau xây dựng các tổ tiết kiệm, tổ hùng vốn để giúp nhau trong cuộc sống gia đình. Chị luôn được hội đánh giá cao về mọi mặt, nhất là trong các phong trào thi đua, xây dựng Hội. Bản thân và gia đình chị luôn chấp hành tốt Chủ trương đường lối của Đảng, Chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Nhiều năm liền gia đình chị đạt gia đình văn hoá. Đến nay, con chị đã có 1 cháu lập gia đình và làm nghề thợ hồ, còn 1 cháu thì đang làm nghề nhiếp ảnh tại Phan Thiết.

Có thể nói, chị là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vượt khó vươn lên. Những thành quả đạt được hôm nay của chị thật đáng trân trọng. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo./.


Các tin khác