Tin tức

Xã đoàn Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc: Điểm sáng về thực hiện mô hình gây quỹ hoạt động chi đoàn

Trong công tác Đoàn, vấn đề kinh phí tuy không phải là yếu tố quyết định, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng sinh hoạt cũng như quy mô, số lượng tổ chức các hoạt động Đoàn. Song, hiện nay ở các cấp bộ Đoàn, nhất là các chi đoàn trực thuộc Đoàn cơ sở đều xảy ra tình trạng kinh phí hoạt động không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Vì vậy, muốn hoạt động tốt, các chi đoàn phải tự tạo nguồn quỹ thường xuyên, với thu nhập tương đối khá thông qua thực hiện các mô hình gây quỹ. 

Đối với các chi đoàn ở xã Hàm Đức, vấn đề gây dựng quỹ hoạt động Đoàn đã được quan tâm thực hiện đúng mức và đạt kết quả đáng khích lệ. Những năm qua, Ban Chấp hành Đoàn xã Hàm Đức, cùng các chi đoàn trực thuộc đã nỗ lực tìm tòi, sáng tạo tìm lời giải cho bài toán này. Đến nay, hầu hết chi trên địa bàn xã Hàm Đức đã chủ động tìm cho mình ít nhất 01 mô hình gây quỹ phù hợp để thực hiện, trong đó có một số mô hình đang phát huy tốt hiệu quả, như: mô hình nhận đất 5% để trồng lúa của chi đoàn thôn 1 và thôn 3, thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu/ năm; mô hình trồng dừa của chi đoàn thôn 5, thu nhập từ 300 đến 500.000 đồng/tháng; mô hình trồng rau muống của chi đoàn thôn 6, thu nhập từ 500 đến 700.000 đồng/năm; mô hình bán vé số của chi đoàn thôn 2 và thôn 7, thu nhập từ 150 đến 200.000 đồng/tháng; mô hình bảo vệ các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn xã của chi đoàn dân quân, thu nhập khoảng 500.000 đồng/tháng (tùy vào thời điểm); mô hình làm sữa chua của chi đoàn trường Mẫu giáo Hàm Đức 1, thu nhập khoảng 500.000 đồng/tháng; mô hình nhận làm vệ sinh xung quanh cơ quan, đơn vị của các chi đoàn cơ quan, trường học, thu nhập từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng.

Những mô hình gây quỹ nêu trên đã giúp cho các chi đoàn có nguồn quỹ ổn định, từ đó các chi đoàn đã “tự tin”, chủ động tổ chức nhiều hoạt động. Hàng năm, các chi đoàn đã sử dụng hiệu quả số quỹ tự tạo này để tổ chức cho đoàn viên thanh niên về nguồn, dã ngoại, giao lưu văn nghệ, thể thao; tặng quà gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ…Nhờ có nguồn quỹ trên mà các chi đoàn còn tham gia tốt các phong trào của Đoàn cấp trên tổ chức. Hơn thế, nó còn là sự khẳng định cho việc đoàn viên, thanh niên trong từng chi đoàn đã chung tay tự thân vận động để tạo quỹ cho chi đoàn chứ không trông chờ kinh phí được cấp hoặc kinh phí đến từ vận động bên ngoài.

Tuy nhiên, việc gây quỹ hoạt động chi đoàn trên địa bàn xã Hàm Đức vẫn còn một số hạn chế, đó là: việc tìm kiếm công trình, phần việc thanh niên để gây quỹ đoàn gắn với nhiệm vụ chuyên môn, đặc thù địa bàn ở một số chi đoàn còn khó khăn, lúng túng; có nơi do công tác tập hợp đoàn viên, thanh niên gặp khó khăn nên từ đó không thể triển khai thực hiện được mô hình gây quỹ; việc huy động nguồn lực từ những đoàn viên thanh niên đang sống tại địa phương và bộ phận thanh niên đi làm ăn xa còn hạn chế.

Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu hoạt động của Đoàn, thì mỗi cơ sở Đoàn buộc phải linh động bằng mọi cách tăng cường xã hội hóa hoạt động, đẩy mạnh vận động nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân cũng như phối hợp với các tổ chức, đoàn thể khác; đồng thời phải thực hiện hiệu quả các mô hình gây quỹ. Từ những kết quả, kinh nghiệm có được, cũng như những hạn chế, tồn tại đã nhận thấy, Ban Chấp hành Đoàn xã Hàm Đức tiếp tục đề ra chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2017-2022 là: mỗi chi đoàn trực thuộc Đoàn xã phải duy trì thường xuyên ít nhất 01 mô hình gây quỹ hiệu quả. Theo đó, mỗi chi đoàn tùy theo đặc thù của mình sẽ lựa chọn và đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên phù hợp để vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chính trị của mình, vừa tạo nguồn kinh phí cho hoạt động chi đoàn. Quá trình triển khai thực hiện, từng chi đoàn khuyến khích, động viên đoàn viên thanh niên nêu cao tinh thần xung kích, tự lực, không quản ngại khó khăn tham gia lao động tạo quỹ; công khai, minh bạch về thu, chi tài chính, tổ chức nhiều hoạt động phù hợp, hiệu quả, gắn với an sinh xã hội. Đặc biệt, BCH Đoàn xã sẽ đưa việc xây dựng mô hình gây quỹ vào tiêu chí đánh giá thi đua và xếp loại các chi đoàn hàng năm.

Hiện nay, ngoài Đoàn xã Hàm Đức, thì ở các cơ sở Đoàn còn lại trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc cũng có khá nhiều mô hình gây quỹ hoạt động Đoàn hiệu quả. Từ thực tế đó, chúng ta có thể khẳng định rằng: vấn đề gây quỹ hoạt động Đoàn nói chung và gây quỹ hoạt động chi đoàn nói riêng tuy là bài toán khó nhưng lời giải vẫn luôn có nếu các cơ sở Đoàn, chi đoàn chịu khó tìm tòi, mạnh dạn và sáng tạo hơn./.                                 


Các tin khác