Tin tức

Hàm Thuận Bắc: Một số kết quả bước đầu sau 05 năm thực hiện đề án “Xây dựng mô hình tổ chức, cơ sở vật chất và trang thiết bị Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện”

Tiếp thu tinh thần Quyết định số 671-QĐ/TU, ngày 22/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình tổ chức, cơ sở vật chất và trang thiết bị Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện”, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Hàm Thuận Bắc tham mưu cho Thường trực Huyện ủy và UBND huyện kế hoạch triển khai thực hiện theo yêu cầu của Đề án đạt được một số kết quả quan trọng:

Một là, về tổ chức bộ máy: tổng số biên chế trước khi có Đề án đến tháng 7/2016 là 04, hiện nay có 03 công chức (nữ), trong đó: 01 Phó giám đốc (giảng viên chuyên trách), 01 giáo vụ kiêm kế toán, 01 văn thư kiêm thủ quỹ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên được quan tâm, Trung tâm luôn tạo điều kiện để cán bộ, công chức được tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. So với trước khi có Đề án, chất lượng các mặt của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đến nay, về trình độ chuyên môn đại học 03; trình độ lý luận chính trị cao cấp 01 và trung cấp 02.

Ngoài ra, Trung tâm còn tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy bổ sung, kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức đảm bảo đủ số lượng, nâng dần chất lượng. Đội ngũ giảng viên kiêm chức đang đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Đảng, Nhà nước; am hiểu sâu về chuyên môn, nghiệp vụ và có kinh nghiệm thực tiễn ở những lĩnh vực đang công tác, có đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên và trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy, Trung tâm tham mưu Thường trực Huyện ủy cử 20 lượt giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức tham dự khóa bồi dưỡng phương pháp giảng dạy.

Hai là, về cơ sở vật chất và trang thiết bị: được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và hướng dẫn của các ngành liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác dạy và học, cụ thể như: sửa chữa nhà làm việc và 02 hội trường; sân vườn, nhà nghỉ học viên đã hoàn thành đưa vào sử dụng (05 phòng nghỉ, khu vệ sinh và nhà để xe) với tổng trị giá 3,7 tỷ đồng; trang bị 01 máy chiếu, 01 laptop, 01 máy vi tính bàn, 01 màn chiếu, 01 máy photocoppy, 01 máy in với tổng giá trị 112.900.000 đồng.

Ba là, về hoạt động chuyên môn: Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch mở lớp trình Thường trực Huyện uỷ quyết định; trên cơ sở đó, phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện. Qua 5 năm, Trung tâm tổ chức 167 lớp các loại với 15.807 lượt học viên dự học các lớp như: sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, bối dưỡng nhận thức về Đảng, bồi dưỡng công tác Đảng cho Bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ mặt trận, đoàn thể, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh, phương pháp quán triệt Nghị quyết... góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của công tác lãnh đạo, quản lý và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở.

Việc đổi mới phương pháp được quan tâm thực hiện, Nhiều giảng viên, giảng viên kiêm chức sử dụng giáo án điện tử để giảng dạy, phương pháp đối thoại, phân tích, khai thác và mở rộng kiến thức ở từng chuyên đề gắn với thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức mới, liên hệ thực tiễn …, giúp người học nâng cao kiến thức để vận dụng có hiệu quả vào công việc chuyên môn.

Tuy nhiên,  qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án vẫn còn một số hạn chế, đó là:

- Cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức; sự chủ động phối hợp với các ngành tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền để có giải pháp tích cực tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án chưa kịp thời.

- Đội ngũ cán bộ công chức còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhất là năng lực tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị; đội ngũ giảng viên kiêm chức luôn có sự biến động, ít đầu tư thời gian nghiên cứu tài liệu và nâng chất lượng bài giảng; phương pháp giảng dạy còn chậm cải tiến, đổi mới, chưa gắn kết vận dụng giữa lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành chưa được chú ý.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, không đồng bộ. Kinh phí đào tạo cấp thấp so với nhu cầu chi cho đào tạo, bồi dưỡng.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do vai trò tham mưu và đề xuất với cấp ủy, chính quyền còn hạn chế; chưa tập trung đúng mức, lúng túng, thiếu quan tâm trong thực hiện Đề án. Hầu hết các giảng viên kiêm chức chưa qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án "Xây dựng mô hình tổ chức, cơ sở vật chất và trang thiết bị Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện”, cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực; tham mưu cấp ủy kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức; sắp xếp phân công nhiệm vụ cho CBCC phù hợp với năng lực chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Hai là, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng tăng tính thực tiễn, phát huy tính tích cực chủ động của người học.

Ba là, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định.

Bốn là, tham mưu, đề xuất Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và quản lý, khai thác tốt cơ sở vật chất hiện có để phục vụ ngày càng tốt hơn hoạt động giáo dục lý luận chính trị./.


Các tin khác