Tin tức

Nguyễn Hinh- ông già đống rơm người con kiên trung của quê hương Hàm Thuận

Khi đọc tập lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Thuận có đoạn “ …Khi Pháp mới tái chiếm Hàm Thuận, bộ đội gặp khó khăn, ông Nguyễn Hinh ở Xuân Bình đã động viên chiến sĩ : “ Tụi bây cứ yên lòng đánh giặc, công tác nuôi quân có dân lo”. Ngoài việc vận động mọi người quyên góp cho kháng chiến, ông Hinh đã tự nguyện ủng hộ lúa gạo, trâu bò của gia đình mình cho bộ đội trong suốt cuộc kháng chiến. Có lần ông đã dốc hết toàn bộ số lúa (gồm 12 xe) cho bộ đội”. Trong lúc huyện ta hướng về kỷ niệm 70 năm hình thành và phát triển của Đảng bộ Hàm Thuận, xin giới thiệu nhân vật lịch sử Nguyễn Hinh- Ông già đống rơm, người con kiên trung của quê hương Hàm Thuận.

Ông Nguyễn Hinh, sinh năm 1902, tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận là một người nông dân bình thường như bao người nông dân khác ông Nguyễn Hinh đã sớm giác ngộ cách mạng, có những thành tích tiêu biểu, đặc biệt xuất sắc đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến và có những hành động anh hùng trong nuôi giấu bộ đội, dân quân, du kích và cán bộ cách mạng; hoạt động cơ sở mật; công tác binh vận và hiên ngang trước kẻ thù, góp phần xứng đáng vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, việc ăn, mặc của dân quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực phần lớn dựa vào nhân dân nơi địa bàn đứng chân cung cấp. Lúc bấy giờ trên địa bàn huyện Hàm Thuận, Trung đoàn 82 (sau này là Trung đoàn 812) gặp phải những khó khăn về lương thực từ đó dẫn đến nguy cơ bị tan rã đơn vị này. Những khó khăn của đơn vị này được ông Nguyễn Hinh ủng hộ cho ông Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà)- Đại đội trưởng Hoàng Hoa Thám thuộc Trung đoàn 82 Cực nam Trung bộ một lần 17 xe lúa, 02 xe nếp (tương đương khoảng 13,3 tấn). Nhờ số lương thực do ông Nguyễn Hinh ủng hộ nên Đại đội Hoàng Hoa Thám không những không bị giải thể do thiếu đói mà còn được củng cố ngày càng vững mạnh thêm để tiếp tục chiến đấu. Đơn vị này được hai lần tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ nhất, ngày 12/9/1976 và lần thứ hai,  ngày 12/9/1985).

Trong những năm 1947-1954, ông Nguyễn Hinh đã trực tiếp lên rừng để vạt vỏ cây, chặt tre và mua ngà voi, răng cọp, mật gấu… về Phan Thiết bán lấy tiền để mua vải, giầy dép, thuốc chữa bệnh ủng hộ cho bộ đội. Đồng thời cho Trung đoàn 812 mượn 05 ha ruộng, 20 con trâu để bộ đội sản xuất, tự túc lương thực phục vụ chiến đấu.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Hinh đã ủng hộ cho Ban Hậu cần Tỉnh đội Bình Thuận 10 xe lúa (tương đương 07 tấn lúa). Riêng trong chiến dịch tấn công và nổi dậy Xuân năm 1968, ông Nguyễn Hinh cùng gia đình đã trực tiếp cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội thuộc Tiểu đoàn 812 Bình Thuận.

Ông Nguyễn Hinh đã trực tiếp đào hầm bí mật dưới đống rơm ngay bên cạnh sân lúa nhà của Ông để cho 01 trung đội thuộc Đại đội Hoàng Hoa Thám trú quân sau các kỳ chiến dịch. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Ông sử dụng căn hầm này nuôi giấu thương binh và cán bộ của ta được phân công ở lại hoạt động không đi tập kết ra miền Bắc và nơi đây trở thành trạm giao liên của bộ đội chủ lực và lực lượng dân quân, du kích xã Hàm Liêm. Do đó, bộ đội và dân quân, du kích thường gọi ông Nguyễn Hinh là ông già Đống rơm và cũng từ đó, ông già Đống rơm trở thành biểu tượng của nhân dân huyện Hàm Thuận.

- Thực dân Pháp và bọn tề điệp, Việt gian luôn xác định gia đình ông Nguyễn Hinh là cơ sở lợi hại nhất của Việt Minh ở Bình Thuận, nên bọn chúng đã 08 lần bố trí quân lính đến đốt nhà của Ông nhưng bất thành, vì ông đã có sáng kiến xây dựng một kiểu nhà mới, vừa thô sơ, vừa kiên cố, đó là “nhà đất”. Sáng kiến này từ việc Ông lấy gỗ và tre làm khung rồi trát đất hai mặt, bên ngoài lợp tranh để chống nắng, mưa. Nếu địch đốt thì chỉ cháy lớp tranh bên ngoài, nhà vẫn còn nguyên. Nhà đất chẳng những dùng để ở, mà còn là ụ chiến đấu rất lợi hại. Và cũng chính từ những ụ chiến đấu này, bộ đội ta đã bất ngờ vọt lên đánh thẳng vào bên sườn và phía sau lưng địch, làm cho chúng kinh hồn bạt vía. Với cách làm nhà ở như trên, ông Nguyễn Hinh đã phổ biến kinh nghiệm này cho nhân dân trong vùng để làm thất bại việc thực dân Pháp đốt nhà ở của dân.

Năm 1957 địch bắt ông Nguyễn Hinh giam cầm tại nhà lao Phan Thiết và căn cứ quân sự - căng Ê-Sê-píc để tra tấn, khủng bố Ông với những thủ đoạn tàn bạo, dã man như dí điện vào người làm mù đôi mắt, đánh đập, bẻ răng để khai thác về địa điểm nuôi dấu cán bộ cách mạng ở lại không đi tập kết ra Bắc nhưng ông Nguyễn Hinh vẫn không hề nao núng, sợ sệt, khai báo làm tổn hại cho cách mạng và Ông còn hiên ngang chỉ thẳng vào mặt tên Võ Xuân Viên và chửi: “mày là kẻ phản bội cách mạng”.

- Vào đầu năm 1958, tên Lưu Bá Châm – tỉnh trưởng Tỉnh Bình Thuận bắt ông Nguyễn Hinh cùng một số cha, mẹ, vợ của cán bộ cách mạng ta đến tại khu vực Tân Phú Xuân (nay thuộc xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết) để mở lớp tố cộng, tại đây địch đã đánh đập ròng rã 09 ngày đêm, nhưng ông Nguyễn Hinh vẫn không hề nao núng, lung lay ý chí và tinh thần vẫn kiên trung một lòng với Đảng, với cách mạng.

 Những năm 1963-1964, Bọn địch buộc ông Nguyễn Hinh định kỳ hàng tháng phải lên Quận Thiện giáo để trình diện. Lấy lý do bị địch tra tấn, đánh đập làm chân đau, mù mắt không đi được nên phải ngồi trên lưng trâu mới đi trình diện được, ông Nguyễn Hinh đã cùng cơ sở mật của ta giả làm người dắt trâu đưa ông đi trình diện. Đến địa điểm trình diện, cơ sở của ta cho trâu ăn cỏ dọc theo bờ rào đồn địch để quan sát nắm các vị trí đóng quân, nơi bố trí hỏa lực, quy luật sinh hoạt… của địch ở Quận Thiện giáo để báo cáo lại cho bộ đội Hoành Sơn thuộc đơn vị 486 Tỉnh đội Bình Thuận tổ chức đánh địch, giành chiến thắng.

Ông Nguyễn Hinh là một nông dân bình thường như mọi người nông dân khác, nhưng nhờ giác ngộ cách mạng nên ông đã sẵn sàng hy sinh của cải vật chất của gia đình để ủng hộ cho kháng chiến; là cơ sở mật của cách mạng, ông sáng tạo ra điều kiện nuôi giấu cán bộ cách mạng, thực hiện nhiệm vụ do cách mạng giao; mặt dù bị địch bắt, tù đày, tra tân nhưng ông vẫn hiên ngang, không khuất phục; Ông trở thành biểu tượng của nhân dân Vùng Tam Giác kiên cường- Ông già đống rơm. Ông mất năm 1980.


Các tin khác