Tin tức

Những tấm lòng yêu nước vô giá với sự nghiệp cách mạng của dân tộc

Nhớ về tinh thần yêu nước người dân Hàm Thuận từ câu chuyện vợ chồng nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô hiến tặng 5000 lượng vàng cho Chính phủ Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Những ngày giữa tháng 11/2017, tại thủ đô Hà Nội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ tang cấp cao cho cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914-2017) vợ nhà tư sản dân tộc ái quốc Trịnh Văn Bô (1914-1988). 72 năm trước, vợ chồng ông bà là tấm gương sáng đi đầu tại Hà Nội trong phong trào ủng hộ tiền, của, vàng, bạc giúp Chính phủ Hồ Chí Minh lập quỹ quốc gia để xây dựng, củng cố chính quyền non trẻ, chuẩn bị tổ chức kháng chiến trước tình thế thù trong, giặc ngoài. Cũng trong thời gian này Nhân dân Bình Thuận quyên góp, hiến tặng cho Chính phủ hơn 30 kg vàng.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong thời điểm khó khăn chồng chất, Đảng, Chính phủ và chính quyền cách mạng các cấp rất cần tiền để trang trải việc xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, giữ nền độc lập, tự do mới giành được nhưng ngân khố quốc gia và tài chính địa phương gần như trống không. Đứng trước tình thế khó khăn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ ra lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng phong trào yêu nước chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, ủng hộ tuần lễ vàng hiến tặng cho Chính phủ, chính quyền kháng chiến. Khắp cả nước cũng như tại Hàm Thuận, đông đảo các tầng lớp nhân dân, từ những người dân bình thường đến người giàu như cựu hoàng hậu, bà Nam Phương (vợ vua Bảo Đại), những địa chủ dân tộc, nhà tư sản yêu nước đã tham gia hiến tặng rất nhiều tài sản quý giá, tiền của, vàng bạc tiết kiệm. Cả nước ủng hộ hàng chục triệu đồng và hàng trăm kg vàng. Tại Hà Nội, phong trào hiến tặng sôi nổi thu hút nhiều cá nhân, gia đình tham gia, riêng vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến hơn 5000 lượng vàng, quy đổi hôm nay trị giá hơn 100 tỷ VNĐ. Thật xúc động khi biết về tấm gương hiến tặng cho Tổ quốc của nhiều gương sáng như vợ chồng cụ. Cảm động về các tấm gương cao đẹp ấy tôi lại nghĩ về phong trào hưởng ứng tuần lễ vàng, tuần lễ đồng và nhưng tấm gương tiêu biểu của người dân Hàm Thuận với Đảng với Bác Hồ và sự nghiệp độc lập, tự do cho dân tộc nói chung và của Hàm Thuận nói riêng cách đây 72 năm.

Lúc bấy giờ còn gọi là phủ Hàm Thuận, trong đợt hưởng ứng tuần lễ vàng từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945, sau khi nghe các Ban vận động tuần lễ vàng và đoàn thể giải thích, cán bộ, đồng bào Hàm Thuận tham gia quyên góp, ủng hộ bằng tất cả tấm lòng tự nguyện, hạnh phúc và đầy tự hào. Ai không có vàng thì góp lúa hoặc tiền, trang sức, bạc. Xã nào cũng có những hình ảnh đẹp, đó là các gương đi đầu hiến tặng như: Má Dương Thị Lâu ở Đại Nẫm hiến trọn bộ nút áo dài bằng vàng; má Xếp ở Dân An ủng hộ 5 chỉ; đặc biệt chị Mười Rỗ ở Rạng đã hiến đôi bông tai ngày cưới và còn động viên con gái hiến thêm sợi dây chuyền; Bà Nguyễn Thị Dậu ở Mỹ Thạnh (nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam) hiến 1 bộ nút áo và 1 đôi bông tai vàng; má Nguyễn Thị Mậu ở Tân Xuân; má Trần Thị Mười ở Dân Thạnh đã tự nguyện hiến đôi bông tai ngày cưới và còn rất nhiều cá nhân, gia đình khác đã hướng về Tổ quốc, dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền cơ sở. Nhờ tinh thần tất cả cho độc lập - tự do, đồng bào Hàm Thuận đã góp phần nhiều nhất so với các địa phương trong tỉnh. Đồng bào trong tỉnh Bình Thuận quyên góp được tổng số khoảng 30 kg vàng thì bà con tại Hàm Thuận đã góp hơn một phần hai trong số này. Tiếp đó, đồng bào Hàm Thuận hưởng ứng mạnh mẽ tuần lễ đồng, nhiều người đã ủng hộ đôi chân đèn đồng, mâm thau, nồi đồng, những vật kỷ niệm quý trong nhà để cách mạng làm vũ khí. Nhiều thành phần tham gia đóng góp, có cả những cá nhân, hộ gia đình làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có chung một ý nghĩ về ủng hộ cho sự nghiệp chính nghĩa do Đảng lãnh đạo nhằm giữ độc lập dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, khi quê hương, đất nước thanh bình nhưng vẫn đối mặt với những khó khăn, thử thách hiện hữu và tìm ẩn thì tinh thần yêu nước của Nhân dân Việt Nam nói chung và người dân Hàm Thuận Bắc nói riêng tiếp tục được phát huy. Hình ảnh ấy được tái hiện và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Người dân hưởng ứng các phong trào yêu nước do cấp ủy, chính quyền các cấp phát động, nhiều người đã hiến, tặng đất, đóng góp tiền, của và công sức để xây dựng nhiều công trình phục vụ cộng đồng trên địa bàn huyện. Thế mới thấy sức mạnh của lòng dân vào sự lãnh đạo của Đảng./.


Các tin khác