Tin tức

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vì nước, vì dân. Người đã để lại một chủ nghĩa nhân đạo cao cả, những tư tưởng và đường lối, những chiến lược, sách lược soi sáng sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, HCM luôn đề cập đến vấn đề nâng cao đạo đức CM, chống chủ nghĩa cá nhân. Đặc biệt, từ khi Đảng cầm quyền, Bác càng quan tâm đến vấn đề này hơn.

Trong di sản mà Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân, có nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết bàn về đạo đức cách mạng và mặt đối lập với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân. Người coi đó là cuộc đấu tranh trực tiếp liên quan tới vận mệnh của Đảng và quyết định đến thành công của sự nghiệp cách mạng. Người coi chủ nghĩa cá nhân là một trong ba kẻ thù cơ bản đó là: Chủ nghĩa đế quốc; thói quen truyền thống lạc hậu, tư tưởng tiểu tư sản; chủ nghĩa cá nhân.

Vậy chủ nghĩa cá nhân biểu hiện như thế nào? Theo Bác “chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Về vật chất chỉ muốn hưởng thụ, công việc làm thì không dám xung phong”.

“Cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình, chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc“. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là một thứ gian ngoan xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”

Bác cho rằng chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn sa vào tham ô, hủ hóa lãng phí xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại coi thường tập thể xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh, không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tinh thần tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành dúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng của Nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc”; cái gì không phải chủ nghĩa xã hội là cá nhân chủ nghĩa, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng. Đây là sự nguy hiểm tiềm tàng làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính nhân dân,.. chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân thì cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhận thức về tư tưởng này của Bác, chúng ta thấy hiện nay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân là: chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa thực dụng. Với số cơ hội họ thường chưa bao giờ thể hiện được chính kiến của mình, muốn lấy lòng người khác, chỉ chờ người khác nói rồi nói theo; với số thực dụng được biểu hiện cao độ ở nạn tham nhũng, hối lộ, thu vén cá nhân, cái gì có lợi cho bản thân thì làm, bất kể pháp luật và đạo lý. Trước đây khi chưa có chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và khi có chính quyền Bác viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Thời kỳ Bác lãnh đạo đất nước, ta thấy chủ nghĩa cá nhân chưa có điều kiện để bộc lộ nhiều. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, thực hiện chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Giai đoạn này chúng ta thấy rằng sự mất đoàn kết nội bộ, tranh giành quyền lợi địa vị, các vụ án tham nhũng lớn rất ít xảy ra và ít liên quan đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, khuyến khích sự phát triển của vai trò cá nhân, xem kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Do đó chủ nghĩa cá nhân có điều kiện bộc lộ.

Từ đó đến nay, Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng, đã chỉ đạo nhiều cuộc vận động đổi mới, chỉnh đốn Đảng nhưng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được. Đó chính là do nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta; do sự yếu kém, thiếu kiên quyết trong công tác giáo dục, lãnh đạo, quản lý; do sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính của một số cán bộ, đảng viên; sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác, là giặc nội xâm, nó không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm, gian giảo, xảo quyệt; nó kéo người ta xuống dốc không phanh. Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này.

Hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH, bên cạnh những thuận lợi, đang chịu sự chi phối từ những mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực nảy sinh trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa. Chủ nghĩa cá nhân có nhiều điều kiện phát triển với những biểu hiện phức tạp, tinh vi. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH “tự diễn biến,“tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp. Do thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để cho chủ nghĩa cá nhân phát triển đã làm ảnh hưởng xấu đến lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Để chống lại chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, chúng ta phải:

Một là, thực hiện nghiêm túc tinh thần Nghị quyết TW4 (khóa XI) và Nghị quyết TW4 (khóa XII) gắn thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Trong phê bình phải kiên quyết đấu tranh với khuyết điểm thuộc lập trường tư tưởng, phẩm chất chính trị và những khuyết điểm về tham nhũng, hối lộ, ... Cần phê phán những người không thể hiện chính kiến của mình, không dám nêu ra khuyết điểm của người khác.

Hai là, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường học lý luận Mác – lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời trong các buổi sinh hoạt chi bộ cần chú trọng đến công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên.

Ba là, Chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần giúp cán bộ, đảng viên an tâm gắn bó với cơ quan, đơn vị, toàn tâm toàn ý với công việc.

Bốn là, cần xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm đạo đức, lối sống nhằm làm cho Đảng trong sạch vững mạnh. “là đạo đức, là văn minh”. Có như vậy mới đẩy lùi được chủ nghĩa cá nhân, làm cho nó không có điều kiện tồn tại trong đội ngũ cán bộ, đảng viên./.


Các tin khác