Chiều ngày 07/4/1975, Trung đoàn 812 của Quân khu 6 từ Đà Lạt về đến Hàm Thuận (khu vực Thiện Giáo). Nhờ Tiểu đoàn 200C chuẩn bị trước và có phương án tác chiến, Bộ Chỉ huy tiền phương hạ quyết tâm tiêu diệt Chi khu quận lỵ Thiện Giáo.
Rạng sáng ngày 08/4/1975 (02 giờ 25 phút), quân ta nổ súng đánh vào Chi khu Thiện Giáo nhưng địch chống cự quyết liệt. Ở hướng chủ yếu phía Đông Nam, Tiểu đoàn Đặc công 200C mở được 2 lớp rào. Hướng thứ yếu phía Nam, Tiểu đoàn 482 còn bám trụ ngoài bờ rào. Ở phía Bắc, Tiểu đoàn 840 chiếm được ấp 18. Trong khi đó, Đại đội 3/430 của Hàm Thuận từ km 21 tiến xuống ấp 18, bị địch phản kích mạnh, bắn hỏng xe bọc thép (xe bù lu), nên một số phải lùi lại phía sau. Trời hừng sáng địch dùng máy bay, pháo bắn vào quân ta gây nhiều tổn thất.
Trước tình hình đó, ta dừng tấn công củng cố lực lượng. Đến 17 giờ cùng ngày, ta công kích tiếp vào chi khu. Sau 20 phút tấn công, địch bị thương vong nhiều, số trong đồn hốt hoảng, một số bỏ chạy về hướng đông Ma Lâm.
Chớp thời cơ, các lực lượng ta đồng loạt tiến công đánh chiếm lô cốt mẹ, trung tâm chi khu, ga Ma Lâm và Ma Lâm. Khoảng 20 giờ ngày 08/4, ta hoàn toàn làm chủ chi khu và quận lỵ Thiện Giáo. Sáng ngày 9/4, các lãnh đạo Huyện uỷ (Nguyễn Nhẫn, Ngô Minh Thưởng) cùng với cán bộ các ban, ngành, đoàn thể huyện và cán bộ, chiến sĩ Đội công tác Ma Lâm kinh vào tiếp quản Quận lỵ Thiện Giáo.
Mất Chi khu Thiện Giáo, một vị trí quan trọng bảo vệ phía Bắc Phan Thiết, địch trên Đường 8 và các khu vực xung quanh hoang mang dao động. Thừa thắng, ngày 09/4, Tiểu đoàn 482 phối hợp với Đại đội 3/430 và du kích xã Hàm Chính, Hàm Hưng đánh chiếm một loạt ấp: Tầm Hưng, An Phú, Bình Lâm và vây đồn Bình An. Đến 15 giờ cùng ngày, địch ở Bình An tháo chạy xuống ấp Tân Điền.
Trên hướng Quốc lộ 1, đêm 08/4, Đại đội 5 Đặc công tỉnh tập kích hỏa lực vào đồn Xa Ra, địch tháo chạy về Phú Long. Sáng ngày 09/4, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 15 vào chiếm đồn và giải phóng Xa Ra, trưa hôm đó ta giải phóng luôn Tùy Hòa.
Ngày 10/4, Tiểu đoàn 482 và một bộ phận của Tiểu đoàn 200C đánh cụm lô cốt ở km số 6 và đồn Tân Điền. Địch ở đây tháo chạy xuống Tân An. Ta chiếm đồn và giải phóng ấp Tân Điền.
Rạng sáng ngày 12/4, ta đánh chiếm yếu khu Phú Long, cầu Phú Long và sẵn sàng đánh địch phản kích.
Bị mất Chi khu Thiện Giáo và Phú Long, Phan Thiết lâm vào tình thế bị uy hiếp, địch dùng bảo an phản kích, mà chủ yếu là dùng máy bay, phi pháo bắn cấp tập nhất là dọc Quốc lộ 1, khu Tam Giác. Địch muốn ngăn không cho ta vượt qua đường sắt áp sát Phan Thiết. Sự chống đỡ này gây cho ta một số tổn thất. Suốt ngày 12/4, Tỉnh trưởngNgô Tấn Nghĩa tung 6 tiểu đoàn bảo an, có máy bay, pháo binh chi viện phản kích, hòng chiếm lại cầu Phú Long, nhưng bị quân ta đánh lui.
Sau khi mất Phú Long, địch ở các ấp dọc Quốc lộ 1 rệu rã, hoang mang cực độ. C5 đặc công cùng du kích các xã tấn công dồn dập, phát loa làm binh vận. Bên trong ấp, ta phát động quần chúng nổi dậy làm thanh viện. Đến trưa ngày 14/5, địch ở các đồn Cây Táo, Gộp, Gò bỏ quân trang, đốt tài liệu, tháo chạy về Mũi Né. Như vậy, ta giải phóng gần hết huyện Thuận Phong và Bắc Hàm Thuận; làm chủ liên tỉnh lộ 8 và chia cắt Quốc lộ 1. Chỉ còn đồn núi Tà Dôn đang trong tình trạng bị bao vây, cô lập.
Ra sức giữ hai cửa ngõ chính vào Phan Thiết là Đường 8 và Quốc lộ 1, nên suốt 7 ngày đêm (từ ngày 12 đến 18/4), địch tung tất cả các lực lượng, phương tiện còn lại đánh phá, hủy diệt những nơi ta vừa giải phóng. Nhất là khu vực Phú Long, Tân Điền. Địch cố phá cầu chận đường tiến quân của ta. Ngược lại ta bằng mọi cách phải bảo vệ cầu. Các lực lượng và đồng bào đã chịu đựng bom đạn, bám trụ kiên cường, đánh lui tất cả các đợt phản kích của địch, giữ vững cầu Phú Long.
Đêm 17 rạng 18/4, lực lượng đặc công và bộ binh ta có hỏa lực pháo chi viện, đánh tiêu diệt cao điểm Tà Dôn, điểm cuối cùng của địch ở Đông Bắc Phan Thiết.
Chiều 18/4 ta làm chủ hoàn toàn cầu Phú Long tạo đà cho việc đánh chiếm Phan Thiết. Khoảng 20 giờ, quân chủ lực theo hướng Quốc lộ 1 tiến đánh Phan Thiết. Khoảng 22 giờ đêm 18/4, ta chiếm Tiểu khu Bình Thuận - thị xã Phan Thiết được giải phóng. Khoảng 23 giờ đêm 18/4, địch ở Ngã Hai, chi khu quận lỵ Hàm Thuận tháo chạy. Sáng 19/4, một cánh quân chủ lực giải phóng Mũi Né - chi khu quận Hải Long.
Đêm 18/4, địch ở Ngã Hai bỏ chạy. Khoảng 6 giờ sáng, đại úy Tuấn chỉ huy đơn vị Quân chủ lực vào tiếp quản Ngã Hai - quận lỵ Hàm Thuận. 8 giờ sáng, lực lượng huyện vào quản lý Chi khu Hàm Thuận. Lá cờ ba que bị hạ xuống - cờ Mặt trận Giải phóng được kéo lên tung bay phất phới. Trưa hôm đó Huyện ủy, Ủy ban huyện Thuận Phong tiếp quản quận lỵ Hải Long ở Mũi Né. Đó là giây phút không thể nào quên - Hàm Thuận, Thuận Phong được hoàn toàn giải phóng.
Trong những ngày tiến công và nổi dậy (tháng 4/1975), Quân, Dân Hàm Thuận, Thuận Phong đã sát cánh cùng bộ đội tỉnh, quân khu, chủ lực Trung ương giải phóng quê nhà. Đồng bào đã làm tốt nhiệm vụ hậu cần, tải thương, tải đạn, chăm sóc thương binh, phục vụ chiến trường, cùng các đội công tác tiếp quản các khu công sở của địch ở các xã. Nếu quân chủ lực quân khu và Trung ương được ví như những quả đấm thép có ý nghĩa quyết định kết thúc một trận đấu thì Quân, dân Hàm Thuận và bộ đội tỉnh với vai trò tiên phong vừa đánh, bao vây, uy hiếp, quần cho địch suy yếu, nhũng nhão cả hệ thống chính trị, lực lượng quân sự và ý chí để tạo đà cho quân chủ lực tung nấm đấm quyết định.
43 năm, Mùa Xuân toàn thắng của miền Nam, cả nước nói chung và Hàm Thuận, Phan Thiết nói riêng. Hôm nay, trên bước đường đổi mới, thành quả của những năm tháng hy sinh gian khổ của các thế hệ để lại cho con cháu một Hàm Thuận, Phan Thiết xanh tươi, trù phú, nhộn nhịp. Ven những con kênh, sông, suối nước vẫn chảy giữa cao điểm của mùa khô là những cánh đồng lúa chín vàng đợi ngày thu hoạch; những ruộng thanh long khẩn trương thu hoạch đón giá cao cùng niềm vui của người nông dân trên quê hương giàu truyền thống cách mạng.