Tin tức

Hội Đông y huyện Hàm Thuận Bắc góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

  • /
  • 14.8.2013 - 9:8

Qua 5 năm thực hiện chỉ thị 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ( Khóa X). Hội đông y từ huyện đến cơ sở tiếp tục được cũng cố và phát triển. Toàn huyện có 14/17 xã, thị trấn ( Trừ Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ) có chi hội chuyên môn và điểm chẩn trị đông y phục vụ sơ cấp cứu ban đầu; 86/86 thôn, khu phố có chi hội đông y tán trợ với 1453 hội viên;trong đó có 179 hội viên lương y, hầu hết lương y gia truyền được tập huấn, bồi dưỡng, nâng dần chất lượng chuyên môn. Riêng tại bệnh viện huyện có phòng điều trị y học cổ truyền, được trang bị một số máy và phương tiện điều trị hiện đại.

Trong những năm qua, Hội đã có nhiều cố gắng nâng chất lượng, hiệu quả khám, điều trị bệnh bằng đông y và bằng đông - tây y kết hợp. Kết quả nổi bật là: Đã khám và điều trị bệnh trên 1 triệu lượt bệnh nhân, trong đó bệnh viện huyện và cơ sở gần 600.000 bệnh nhân, các điểm chẩn trị đông y trên 400.000 bệnh nhân bằng phương pháp đông y, nhất là bệnh mãn tính của người già như đau xương khớp, viêm xoang, cao huyết áp, dạ dày… Hội đã vận động hội viên, các tổ chức từ thiện trong và ngoài huyện tổ chức khám, cấp thuốc và tặng quà miễn phí cho 750 bệnh nhân nghèo tại các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Duy trì và phát triển vườn thuốc nam mẫu; Bệnh viện huyện và các trạm y tế, trường học đều xây dựng vườn cây thuốc nam mẫu có trên 40 loại do Bộ Y tế quy định. Hội cũng đã động viên các lương y truyền lại 164 bài thuốc gia truyền và 60 loại cây thuốc phục vụ cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Phối hợp với Hội phụ nữ, Hội Người cao tuổi vận động nhân dân trồng, sử dụng những bài thuốc hay, cây thuốc quý để tự phòng và chữa một số bệnh thông thường tại nhà và cộng đồng theo mô hình “ vừa vườn rau cây cảnh, vừa cây thuốc nam”. Đến nay toàn huyện có khoảng 3.210 hộ gia đình (chiếm 7,6% tổng số hộ toàn huyện) đã trồng khóm thuốc, cây rau, cây cảnh làm thuốc trên diện tích 20.000 m2. Cùng Hội Chữ thập đỏ huyện xây dựng các điểm cấp cứu ở các điểm chẩn trị tại nhà lương y để thực hiện sơ cứu ban đầu bằng cây thuốc nam đối với những ca bệnh thông thường.

Tuy nhiên, hoạt động của Hội đông y các cấp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tổ chức Hội đông y tuy được củng cố, kiện toàn nhưng chất lượng hoạt động chậm được nâng lên, một số nơi hoạt động cầm chừng. Việc thừa kế, nuôi trồng, sử dụng bài thuốc hay, cây thuốc quý chưa được phổ biến và nhân rộng kịp thời. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh bằng đông y ở các cơ sở y tế, điểm chẩn trị nhìn chung chưa bảo đảm; tại các trạm y tế xã, thị trấn chưa có nguồn thuốc đông y thành phẩm để phục vụ và tạo sự an tâm cho người bệnh nên việc khám, điều trị bằng đông y hiệu quả chưa cao. Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động y học cổ truyền còn rất hạn chế; xã hội hóa y dược học cổ truyền chưa mạnh.

Trong thời gian đến, các cấp xã, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Hội đông y các cấp. Tập trung phát triển các chi hội chuyên môn, các tổ chẩn trị ở xã, thị trấn và các điểm chẩn trị đông y tại nhà lương y; gắn với đẩy mạnh phát triển và nâng chất lượng hội viên, lương y ở các tổ chức hội. Chú ý động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ lương y tham gia chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đầu tư cơ sở vật chất, các thiết bị hiện đại phục vụ việc khám,chữa bệnh bằng đông y và đông – tây y kết hợp; đi đôi với việc nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến những bài thuốc hay, hiệu quả gắn với đẩy mạnh phong trào trồng cây thuốc nam theo mô hình “ vừa vườn rau, cây cảnh, vừa cây thuốc nam”. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa về đông y; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nền y học cổ truyền.

Lê Thương


  • |
  • 832
  • |

Các tin khác