Tin tức

Tính nhân văn trong tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

  • /
  • 20.5.2013 - 8:43

Nghị quyết TW4, khóa XI (NQTW4) “những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã được tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng. Hiện đang được các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém của tập thể, cá nhân đã được chỉ ra sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Thời gian tổ chức thực hiện NQTW4 ở các địa phương tính đến nay chưa nhiều, nhưng được các cấp từ trung ương đến địa phương đánh giá đạt kết quả bước đầu; được cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ đồng tình nhất trí cao.

Có thể thấy, mỗi một chủ trương, một nghị quyết của Đảng ban hành, ở từng góc độ hay phạm vi nào đó đều có ý nghĩa nhân văn của nó; đều hướng đến mục tiêu cao cả nhằm xây dựng xã hội, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa tiến bộ, tốt đẹp hơn. Đối tượng của NQTW4 là hướng tới xây dựng tổ chức, xây dựng con người, nên mỗi tập thể, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải tự thân soi rọi, tự đấu tranh sửa mình, để vươn tới sự hoàn mỹ. Chính vì vậy, nhiều người không ngần ngại khẳng định rằng, NQTW4 là văn bản chính trị nhưng hàm chứa ý nghĩa nhân văn mang tính toàn diện, sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

NQTW4 khi vừa ban hành, đã tạo dư luận đồng tình rộng rãi trong toàn xã hội và nhân dân cả nước. Tinh thần của nghị quyết đã được đa số cán bộ và nhân dân hưởng ứng tích cực, nhưng vẫn không ít người còn băn khoăn, lo lắng. Liệu có thực hiện đạt kết quả không, khi mà trước đó có một số Nghị quyết về xây dựng Đảng đã ban hành nhưng sự chuyển biến vẫn không đáng kể. Thậm chí mọi việc đâu lại vào đó, lại tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Thế nhưng triển khai NQTW4 lần này, ngay từ khâu quán triệt học tập, đến việc xây dựng các biện pháp tổ chức thực hiện đã tạo không khí nghiêm túc, thẳng thắng nhưng cởi mở, tin tưởng, thể hiện quyết tâm chính trị của Trung ương lan tỏa đến từng cấp, từng ngành và các địa phương. Tuy thời gian triển khai mới khởi động được một năm, nhưng ngay trong khâu chuẩn bị cho việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của từng tập thể, cá nhân đã cho thấy đây là một sự đấu tranh nội tại lớn lao.

Đối với việc tự phê bình theo tinh thần NQTW4, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự dũng cảm với tinh thần tự giác cao. Trong các đối tượng đấu tranh, thì đấu tranh với chính mình là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn và phức tạp. Tinh thần NQTW4 đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự soi mình, phải đối diện với chính mình, vượt lên cái tôi ích kỷ để phân định rạch ròi hai phần tốt- xấu và xác định đâu là nguyên nhân cơ bản để rồi tự sửa mình; để phần tốt trong con người phát triển mạnh lên, “nảy nở như hoa mùa xuân”, phần xấu ngày càng giảm dần và mất hẳn.

Đối với việc tổ chức phê bình đồng chí mình, đây cũng là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn và thử thách. Khó khăn ở chỗ là phải trực diện và vượt qua với sự ngại va chạm, nể nang xuê xoa, dễ người dễ mình, khó người khó ta, hoặc với sự ích kỷ, ganh ghét hẹp hòi, lợi dụng diễn đàn góp ý để tố cáo, đả kích nhau nhằm hạ thấp uy tín, danh dự đồng chí đồng đội vốn đã từng xảy ra ở một số cuộc họp phê bình trước đây. Thế nhưng việc kiểm điểm theo tinh thần NQTW4 đã không xảy ra tình trạng như vậy. Qua một số cuộc họp kiểm điểm tự phê bình và phê bình cho thấy, ngay bước đầu đi vào kiểm điểm tập thể có gặp một số khó khăn, bởi trong mỗi khuyết điểm của tập thể, đều có vai trò mỗi cá nhân, nhưng không ai “dại gì” dây vào để nhận lấy. Cho đến khi đồng chí Bí thư chi, đảng bộ các cấp đã dũng cảm nhận khuyết điểm, thiếu sót do vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của mình đối với từng ngành, từng cấp, từng người phụ trách, thì không khí kiểm điểm kể từ đó có dấu hiệu tích cực hơn. Những ý kiến phê bình từng bước thể hiện sự chân tình nhưng thẳng thắng và nghiêm túc. Việc phê bình cá nhân của từng đồng chí cũng hết sức tự nhiên nhẹ nhàng và thoải mái, như một sự góp ý lẫn nhau, xuất phát từ lòng chân thành và tình thương yêu đồng chí. Có những đồng chí khi góp ý, chỉ ra khuyết điểm cho đồng chí mình mà lòng đầy cảm xúc. Thậm chí cảm thấy không an tâm tự vấn, giá như trước đây mình góp ý cho đồng chí mình kịp thời sửa chữa khuyết điểm sớm hơn. Người được góp ý cũng nhờ đó thấy được khuyết điểm của mình, sẵn sàng tiếp thu với sự hàm ơn chân thành đối với người góp ý. Chính không khí thẳng thắn nhưng cởi mở, chân thành đã tạo được mối quan hệ gắn bó mật thiết hơn giữa đồng chí đồng đội, nhận được sự sẻ chia, thông cảm và tin cậy.

Nói tóm lại, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQTW4 là để cho từng tập thể, cá nhân tốt hơn, tập thể thực sự tin yêu lẫn nhau nhiều hơn, nhất là giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên cảnh giác và ngăn chặn sự tha hóa về đạo đức lối sống, kịp thời sửa mình trước khi vượt qua lằn ranh tiêu cực, thậm chí sa ngã, tội ác. Đó là một hành động dũng cảm, trách nhiệm và đầy ắp tính nhân văn. Bác Hồ từng nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc…”. Mục tiêu của NQTW4 là xây dựng con người, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài để toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Đây là nấc thang giá trị về tính nhân văn cao đẹp nhất. Tuy nhiên quá trình đấu tranh khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, yếu kém của mỗi tập thể, cá nhân hiện đang chỉ ở giai đoạn khởi đầu, chắc chắn sẽ còn gặp không ít khó khăn. Do đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục phát huy cao độ giá trị nhân văn của NQTW4 trong việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, phải có quyết tâm chính trị cao, phải thực hiện thường xuyên, liên tục bằng tình thương yêu đồng chí đồng đội chân thành và vì hạnh phúc của nhân dân./.

LÊ ĐÔNG

 

 


  • |
  • 1003
  • |

Các tin khác