Tin tức

Hồi sinh từ vùng đá, sỏi

  • /
  • 25.1.2013 - 10:57

Giáp ranh giữa 2 xã Hàm Chính, Thuận Minh và thị trấn Ma Lâm, tổ 4 thôn Trủng Liêm xã Hàm Chính đang hồi sinh một cách mạnh mẽ, nhiều nhà xây mọc lên, đường giao thông thuận lợi, thanh long, ruộng lúa trãi rộng một màu xanh. Nhưng ít ai ngờ rằng, những năm 90 của thế kỉ trước đây là vùng đất hoang, chỉ toàn đá và đá, xen kẻ là cây rừng, chủ yếu là ngành ngạnh, đồng thời là bãi đá quí thu hút nhiều người đến tìm kế sinh nhai.

Bà Tư Di năm nay gần 70 tuổi, là một trong những người lão làng ở đây cho biết, trước đây khu vực này chỉ có vài ba nóc nhà, mỗi nhà cách nhau gần cây số và ai cũng nghèo cả. Không nghèo sao được, đất rộng mênh mông nhưng có trồng trỉa được gì đâu, đào xuống toàn là sạn và đá, nước không có, điện càng không. Mẹ con tui hàng ngày phải vào rừng hái lá loan bỏ mối cho các chợ để người ta gói đồ để kiếm sống, giờ thì sướng rồi, ruộng làm quanh năm, đường, điện, nước đầy đủ, hàng xóm đông đúc. 

Tổ 4 thôn Trủng Liêm còn có tên gọi khác là Lung Đá, khu Láng Sạn, vì nơi đây rất nhiều đá, đất đào xuống toàn là sỏi, sạn, nhiều láng đá nhô lên mặt đất có bán kính hơn 1.000m2. Nhưng giờ đây những láng đá đó đã biến mất, thế vào là ruộng lúa của bà con nông dân. Anh Nguyễn Văn Tiến người dân sống tại khu vực này cho biết, những láng đá to dân thuê thợ đục đá hoặc họ tự đục(nghề đục đá rất dễ học, chỉ cần sắm bộ đồ nghề vài trăm nghìn là làm được). Đá đục đúng qui cách họ bán cho dân xây kiềng nhà, cái gì không bán được họ thuê xe đào, đào thành hố sâu cho hết xuống rồi lấp lại. Làm một mà được hai, thế là những bãi đá lộ thiên dần dần biến mất, làm tới đâu dân ủi thành ruộng tới đó. Sở dĩ dân ở đây dám làm như vậy là nhờ có nguồn nước Sông Quao. Nhưng có được nguồn nước này người dân cũng phải rất quyết tâm, năm 1995 gần 20 thanh niên trong tổ 4 thay phiên nhau hơn 1 tháng trời mới đào xong con mương dài gần 500 m đấu nối với tuyến kênh nhánh 17. Có nguồn nước, dân ở đây mạnh dạn khai hoang, cải tạo đất. Nhiều diện tích đất gò đồi, rừng ngành ngạnh được cải tạo thành ruộng và đất màu. Nhờ sản xuất được lúa nước từ 2-3 vụ ăn chắc/năm và sản xuất các loại cây trồng khác như mía tây, đậu, bắp…mà đời sống của người dân được cải thiện. Anh Tiến nhớ lại, khi trước chưa có nguồn nước Sông Quao, người dân trong xóm vào rừng hầm than, chẻ hom kiếm sống. Giờ thì chẳng ai làm việc này nữa, lo đầu tư tác động vào đất để nâng cao đời sống. Vừa nói anh vừa chỉ vào thửa đất đang trồng thanh long dỡ dang. Đất ở đây không như nơi khác, muốn cải tạo được nó phải kiên trì, như tôi đây chỉ có 160 lỗ trụ thanh long mà đào mất hơn 1 tháng trời, trung bình một ngày đào chừng 5-6 lỗ, làm tới đâu mình dọn đá tới đó.

Từ chỗ lác đác vài hộ ban đầu, hiện nay tổ 4 thôn Trủng Liêm có 56 hộ với 240 nhân khẩu. Trung bình mỗi hộ dân ở đây có ít nhất từ 5-7 sào đất, có người trên 2 ha. Ngoài sản xuất ổn định khoảng 30 ha lúa, gần đây nhân dân đầu tư mở rộng diện tích cây thanh long và nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu, như trường hợp ông Trương Minh Đình. Xuất thân từ nghèo khó, nhưng siêng năng, ham học hỏi, ông Đình đã cải tạo số diện tích đất bạc màu quanh nhà để trồng hơn 800 trụ thanh long, kết hợp với chăn nuôi bò và sản xuất lúa nước, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Mới đây ông mạnh dạn hạ bình biến thế để chong đèn ra hoa trái vụ, chắc chắn nguồn thu nhập của gia đình sẽ tăng lên trong năm tới. Tuy khu vực này đất đai rất cằn cỗi, khó canh tác nhưng người dân không để đất bỏ hoang, không trồng lúa thì cũng chuyển sang trồng thanh long, mía đường.

Ông Nguyễn Ngọc Thương- Trưởng thôn Trủng Liêm xã Hàm Chính cho biết, tổ 4 là địa bàn có kinh tế phát triển khá nhất trong thôn, hầu hết các hộ dân đã xóa được nghèo, ai cũng có nhà xây sạch đẹp, chỉ còn duy nhất 4 hộ nghèo là do hoàn cảnh neo đơn, khuyết tật. Điều khâm phục nhất của người dân tổ 4 thôn Trủng Liêm là sự cần cù, nhẫn nại. Chính yếu tố trên đã giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Cũng nói thêm rằng, do là địa bàn giáp ranh, mặc dù đời sống được cải thiện nhiều nhưng mãi đến tết Nguyên đán năm 2009, người dân ở đây mới có điện sinh hoạt, chấm dứt cảnh đèn dầu heo hút về đêm sau hàng chục năm chờ đợi. Niềm vui nối tiếp niềm vui, tết Nguyên đán 2012, tuyến giao thông liên xã Hàm Hiệp- Thuận Minh đã được trãi nhựa khang trang, việc đi lại, vận chuyển trở nên thuận lợi. Một số hộ dân đã đưa được nước máy vào nhà. Hiện nay tổ 4 thôn Trủng Liêm không được coi là khu vực vùng sâu, vùng xa vì tuyến giao thông Hàm Hiệp- Thuận Minh đã đưa họ đến gần hơn với các xã, thị trấn lân cận, chỉ cần 5-10 phút đi xe máy là đến được trung tâm thị trấn Ma Lâm. Rời tổ 4 thôn Trủng Liêm trời gần giữa trưa, anh Tiến một mình miệt mài nhấc từng trụ thanh long nặng trịch lên chiếc xe rùa đưa đi trồng. Dưới cái nắng gay gắt anh lấy tay vuốt vầng trán và nở nụ cười mỗi khi có người đi ngang hỏi chuyện, với anh những giọt mồ hôi là niềm tin về cuộc sống no đủ sau này./.

Thành Khoa


  • |
  • 798
  • |

Các tin khác