Tin tức

Người khuyết tật cần sự nỗ lực của bản thân và hỗ trợ của xã hội để vươn lên

  • /
  • 25.4.2013 - 7:12

Người khuyết tật là những người khiếm khuyết hay dị tật về cơ thể, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động. Do mặc cảm về thân thể của mình, không ít người khuyết tật sống tự ti, khép kín không muốn giao tiếp bên ngoài. Cũng có một số người bị xã hội kì thị, phân biệt đối xử, thậm chí có lúc có nơi họ là đối tượng của nạn bạo hành. Người khuyết tật cũng như những người bình thường khác họ có quyền được sống, được hưởng hạnh phúc, được học tập, lao động để nuôi sống bản thân và gia đình…vì thế không ai có quyền kì thị, phân biệt người khuyết tật mà hãy chung tay góp sức để người khuyết tật vượt qua khó khăn, trở ngại của cơ thể, vươn lên hòa nhập cùng xã hội.

Huyện Hàm Thuận Bắc hiện có trên 1.000 đối tượng khuyết tật bẩm sinh, trong đó thị trấn Ma Lâm, xã Hàm Chính là những địa phương có số người khuyết tật nhiều, khoảng 170 đối tượng. Ông Trần Văn Được- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện cho biết, phần nhiều số người khuyết tật trên địa bàn huyện rơi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với chức năng của mình, những năm qua, Hội chữ thập đỏ huyện ngoài việc chăm lo cho đối tượng nghèo, đối tượng khó khăn đều hướng đến đối tượng người khuyết tật, như tặng hàng chục xe lăn, le lắc, phẫu thuật chỉnh hình cho nhiều trẻ em tàn tật.

Cũng bằng tinh thần động viên, chia sẻ khó khăn, ngoài sự nỗ lực của bản thân, thời gian qua Hội Chữ thập đỏ xã Hàm Thắng đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đỡ 32 đối tượng người khuyết tật trên địa bàn. Đặc biệt là Hội tạo điều kiện cho nhiều người khuyết tật có việc làm và thu nhập ổn định như tặng máy may, giới thiệu làm việc ở những công ty, cơ sở sản xuất.

Ngoài sự hỗ trợ, chia sẻ của xã hội, nhiều người khuyết tật trên địa bàn huyện đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, làm chủ về kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Ninh Thuận xã Hàm Chính năm nay 55 tuổi, bị khuyết tật bẩm sinh ở chân từ nhỏ, việc đi lại khó khăn, nhưng ông Dũng vẫn kiên trì tập luyện, lao động gần như người bình thường. Hàng ngày ông miệt mài chăm sóc vườn thanh long 600 trụ và hơn 7 sào ruộng kết hợp chăn nuôi bò, mỗi năm gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng. Theo người dân ở đây, tuy làm lúa ở chân ruộng đất cát nhưng nhờ có hướng đầu tư thích hợp nên năng suất lúa của ông Dũng luôn đạt 60 tạ/ha. Không riêng gì ông Dũng, trên địa bàn huyện có khá nhiều người khuyết tật chọn việc làm phù hợp với sức khỏe của mình và có thu nhập ổn định, thường là chọn nghề may, hớt tóc, sửa  xe đạp…

Ảnh Thành Khoa.

Với quyết tâm giúp đối tượng khuyết tật có cơ hội học nghề và tìm việc làm ổn định để nuôi sống bản thân, gia đình và hòa nhập xã hội, từ tháng 4/2012, được sự tài trợ của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam và Hội chữ thập đỏ Tây Ban Nha trong việc triển khai thực hiện dự án  “Hỗ trợ hội nhập kinh tế xã hội và việc làm cho người khuyết tật” do Hội chữ thập đỏ huyện làm chủ dự án, đã phỏng vấn, định hướng nghề nghiệp cho đối tượng và làm việc với các doanh nghiệp dạy nghề. Bước đầu có 20 người khuyết tật ở 3 xã, thị trấn của dự án là Ma Lâm, Hàm Chính, Thuận Minh đã tham gia học nghề từ tháng 1/2013. Nghề học chủ yếu là may, thuê, sửa xe máy, điện cơ…

Con người sinh ra và lớn lên không ai muốn khiếm khuyết, dị tật, vì thế những người khuyết tật là những người chịu thiệt thòi, họ rất cần sự quan tâm chia sẻ của xã hội nhằm động viên tinh thần, tạo động lực để hòa nhập cộng đồng. Song, trước khi tiếp nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng, mỗi người khuyết tật cần nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, tìm chọn cho mình những công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và vươn lên trong cuộc sống./.

Thành Khoa


  • |
  • 865
  • |

Các tin khác