Các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, Ban công tác mặt trận thôn phát động, đã có sự chuyển biến về chất lượng, hiệu quả. Nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và 2 năm gần đây là phong trào thi đua “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới” ngày càng thắm sâu vào tâm thức của mỗi người dân, từng gia đình và cộng đồng dân cư, được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đến nay đã có 4 thôn/7 thôn đạt thôn văn hóa và 2800 hộ/3240 hộ đạt gia đình văn hóa, tăng 5,56% so với năm 2008. Truyền thống nhân nghĩa, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam được phát huy. Thông qua các cuộc vận động của các đoàn thể, các tổ chức thành viên Mặt trận, nhân dân đã có nhiều hình thức, nhiều sáng kiến hay giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.Tính từ đầu năm 2008 đến nay, toàn xã đã góp hàng trăm triệu đồng, hàng chục tấn lúa và hàng nghìn ngày công giúp cho trên 2500 lượt hộ nông dân nghèo phát triển sản xuất; nhờ vậy đã có hàng trăm hộ thoát nghèo. Ngoài ra góp quỹ “ngày vì người nghèo” và các quỹ xây dựng nhà tình thương của các đoàn thể như quỹ “mái ấm phụ nữ nghèo” của Hội phụ nữ, “mái ấm đồng đội” của Hội cựu chiến binh, “mái âm bạn nghèo” của Đoàn thanh niên, cùng với sự hổ trợ của cấp trên, đã xây sửa, tặng 138 nhà tình thương cho hộ nghèo. Riêng Hội chữ thập đỏ đã vận động xây dựng 5 nhà tình thương cho hộ nghèo và vận động các tổ chức và cá nhân hổ trợ bằng tiền, hiện vật trị giá trên 1,5 tỷ đồng giúp cho nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, học sinh nghèo hiếu học và động viên giúp đỡ kịp thời những người gặp hoạn nạn, ốm đau. Bằng kết quả đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của xã, làm giảm tỉ lệ nghèo từ 7,5% năm 2008 đến nay xuống còn dưới 6% theo chuẩn mới. Nhiều nét văn hóa mới được hình thành và phát triển, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó; nhận thức trách nhiệm xã hội của mọi người dân được nâng lên, làm cơ sở để ổn định đời sống và an ninh nông thôn.
Mặt trận và các tổ chức thành viên theo chức năng của mình chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy một cách nghiêm túc. Quá trình thực hiện, chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; bầu đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; bầu trưởng thôn; góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, sửa đổi Luật đất đai và nhiều văn bản pháp luật khác. Các Ban thanh tra nhân dân được củng cố, kiện toàn, nâng dần trách nhiệm thanh tra, giám sát các hoạt động có liên quan đến thu chi tài chính, đầu tư công và thực hiện các chính sách ưu đãi người có công, an sinh xã hội;góp phần phòng chống tham nhũng,lãng phí.
Tuy vẫn còn nhiều mặt hạn chế, nhất là vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận chưa được phát huy đầy đủ; khả năng công tác vận động quần chúng, tạo sự đồng thuận xã hội chưa cao. Song có thể khảng định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hàm Chính đã có nhiều nổ lực trong công tác mặt trận, ngày càng thể hiện rõ vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, là nhân tố hết sức quan trọng cho sự phát triển của địa phương.
Trong nhiệm kỳ đến, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Hàm Chính cần phát huy kết quả đạt được, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; đẩy mạnh thực hiện các phong trào, các cuộc vận động lớn; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương.
Minh Thư