Tin tức

Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc (khóa X) về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2014

Ngày 12/12/2013, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khoá X) đã họp để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Sau khi thảo luận Tờ trình số 43-TTr/HU, ngày 12/12/2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thống nhất kết luận như sau:

A- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2013:

Năm 2013 tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế, khó khăn về vốn đầu tư phát triển, thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh trên cây trồng phát sinh, giá nhiều mặt hàng nông sản giảm... ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 26 của Huyện ủy đạt kết quả khá toàn diện; nổi rõ là:

1- Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá (7,9%); huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng so năm trước. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, diện tích gieo trồng vượt kế hoạch, diện tích cây trồng lợi thế tiếp tục tăng, sản lượng lương thực vượt chỉ tiêu (169/165 ngàn tấn); thương mại, dịch vụ có bước phát triển; giá trị khối lượng xây dựng cơ bản vượt kế hoạch; tiếp tục duy trì phong trào thi đua chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới gắn với làm giao thông nông thôn; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư tăng thêm, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc; thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu (130/123 tỷ đồng).

2- Công tác quản lý nhà nước trên các mặt được tăng cường; đã từng bước khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý đất đai, khoáng sản, rừng; giải quyết có kết quả một số vụ việc nổi cộm, bức xúc tồn đọng; kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển sản xuất.

3- Hoạt động văn hóa xã hội có những chuyển biến tiến bộ. Quy mô giáo dục được giữ vững, chất lượng giáo dục căn bản được nâng lên; kết quả phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt khá. Các chương trình y tế quốc gia được đẩy mạnh thực hiện, tỷ lệ giảm sinh và trẻ em suy dinh dưỡng vượt chỉ tiêu đề ra. Chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được nâng lên. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công; đời sống phần đông nhân dân ổn định, một bộ phận có cải thiện.

4- An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các biện pháp phòng ngừa xã hội và đấu tranh trấn áp tội phạm vi phạm được tăng cường, phạm pháp hình sự giảm so năm trước (59/62 vụ). Giao quân đạt chỉ tiêu Tỉnh giao (185 thanh niên); tổ chức tốt công tác huấn luyện, diễn tập và giáo dục kiến thức quốc phòng-an ninh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, khuyết điểm, yếu kém. Đáng chú ý là:

1- Kinh tế phát triển chậm, thiếu vững chắc. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế; năng suất lúa bình quân thấp hơn năm trước, thu nhập của người trồng lúa giảm. Tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm, một số tiêu chí đã đạt thiếu vững chắc. Thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, tiến độ triển khai một số dự án đầu tư chậm. Kết quả khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đạt yêu cầu; tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản chưa được ngăn chặn triệt để; giải quyết nhiều vụ việc bức xúc tồn đọng chưa dứt điểm.

Tiến độ triển khai và thi công các công trình trọng điểm còn chậm, một số tiếp tục đình đốn, kéo dài. Phong trào làm giao thông nông thôn giảm sút so năm trước. Thu ngoài quốc doanh, tiền sử dụng đất chưa đạt dự toán được giao.

2- Lĩnh vực xã hội còn một số mặt chuyển biến chưa căn bản. Chất lượng giáo dục ở một số cấp học còn thấp, kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông giảm; số ca sốt xuất huyết tăng, tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao (14,4%). Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chuyển biến chưa thật rõ nét.

3- Trật tự an toàn xã hội trên một số mặt còn phức tạp; an ninh nông thôn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định. Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt tăng đột biến; chưa ngăn chặn hiệu quả các tệ nạn xã hội.

Khuyết điểm, yếu kém trên có phần khách quan, nhưng chủ yếu từ chủ quan do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành chưa quyết liệt; năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.

B- PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2014:

I/ Yêu cầu chung: Phát huy lợi thế của địa phương, ra sức khắc phục khó khăn, trở ngại, thúc đẩy phát triển sản xuất; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trên các mặt.

II/ Các chỉ tiêu chủ yếu:

1- Tổng sản phẩm nội huyện tăng 7,41%; trong đó: Nông-lâm nghiệp 5%, Công nghiệp-xây dựng 7,74%, Thương mại-dịch vụ 9,5%.

2- Sản lượng lương thực 165 ngàn tấn.

3- Thu ngân sách 130 tỷ đồng.

4- Giá trị đầu tư xây dựng cơ bản 175 tỷ đồng.

5- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 250 ha, trong đó đất ở 50 ha.

6- Huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và 99% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo; giữ chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở 17 xã, thị trấn; công nhận thêm 2 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (nâng lên 4) 6 xã đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi (nâng lên 10).

7- Tỷ lệ giảm sinh 0,03%, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 10,2%; nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 97,5%.

8- Đạt chuẩn 50 thôn, khu phố văn hóa, 99% số hộ đăng ký xây dựng và 92% đạt chuẩn gia đình văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

9- Giải quyết việc làm 3.100 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,2%.

10- Giao quân 165 thanh niên.

III/ Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

1- Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Quản lý chặt đi đôi với sử dụng linh hoạt đất lúa theo quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả; tiếp tục phát triển cao su ở vùng cao; mở rộng diện tích mía ở vùng thích hợp, từng bước hình thành vùng chuyên canh cà phê ở Đa Mi. Khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô hộ gia đình theo hướng thâm canh và chăn nuôi tập trung ở những nơi có điều kiện, không gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, chú trọng trồng rừng phòng hộ, đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán.

Triển khai Đề án làm thủy lợi nội đồng; xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân; củng cố, nâng hiệu quả kinh tế tập thể theo Chỉ thị 38 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tạo điều kiện để nhân dân vay vốn đầu tư sản xuất theo hình thức tín chấp gắn với thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người trồng lúa. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chú trọng sản xuất an toàn, phấn đấu cuối năm có khoảng 4.000 ha thanh long được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

2- Tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhất là các cụm công nghiệp Ma Lâm, Phú Long, Hàm Đức; ưu tiên ngành nghề chế biến nông lâm sản, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của dân, thu hút nhiều lao động và không ảnh hưởng đến môi trường. Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư; sớm khởi công chợ Phú Long và các chợ nông thôn theo kế hoạch. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuê, chuyển mục đích sử dụng đất để lập cơ sở thu mua, chế biến nông-lâm sản, nhất là thanh long, cà phê, mì lát, mủ cao su... Tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở văn phòng, lập công ty, cũng như triển khai các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở khu thương mại - dịch vụ-tiểu thủ công nghiệp Hàm Thắng-Hàm Liêm.

3- Kiểm tra, đôn đốc sớm hoàn thành các công trình chuyển tiếp, nhất là nhựa hóa giao thông nội thị Ma Lâm (giai đoạn 1), đường Đatro-buôn Tàu Mỹ (Đa Mi), Kim Ngọc-Phú Hài, khu dân cư Dốc Da (Thuận Minh), dự án Bến Lội-Lại An (giai đoạn 2.1)...Tiếp tục phối hợp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ IA và đường Phú Long-Phú Hài. Triển khai thi công Hội trường huyện và một số công trình bức xúc khác. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào làm giao thông nông thôn, hoàn thành 15 km bê tông xi măng.

4- Thực hiện tốt công tác thu, chi ngân sách. Tập trung chỉ đạo thu ngân sách ngay từ đầu năm, phấn đấu tăng thu thêm ngoài chỉ tiêu được giao 4,9 tỷ đồng từ nguồn thu ngoài quốc doanh, khai thác quỹ đất, phí và lệ phí, thu khác ngân sách để có thêm nguồn chi. Huy động kịp thời các nguồn thu phát sinh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống thất thu thuế, nhất là hoạt động thu mua cà phê, nậu vựa thanh long, mì lát... gắn với xử lý kiên quyết các khoản nợ đọng về thuế; tập trung khai thác nguồn thu từ quỹ đất các khu dân cư, xen cư, đẩy mạnh thu nghĩa vụ tài chính; các trường hợp vi phạm trong xây dựng công trình, nhà ở trên đất nông nghiệp nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cho chuyển mục đích theo quy định.

Điều hành chi ngân sách theo hướng có thu mới có chi; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng ngân sách ở cơ sở và huy động kinh phí theo quy chế dân chủ ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, địa bàn dân cư.

5- Đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ưu tiên đầu tư 3 xã điểm, bảo đảm Hàm Trí đạt chuẩn vào cuối năm. Nâng chất lượng phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; phát huy đúng mức vai trò chủ thể của người dân và ý thức tự giác của cộng đồng. Giữ chuẩn các tiêu chí đã đạt đi đôi với đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí còn lại theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, tập trung trước hết các tiêu chí mà nhân dân có thể tham gia thực hiện. Gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển dân sinh, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết 23 của Huyện ủy (khóa X), nhất là 3 xã vùng cao.

6- Tiếp tục khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là đất đai, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng, dự án. Triển khai thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là đất ở. Tiếp tục giải quyết các vụ việc nổi cộm, bức xúc về cấp đất sản xuất và giao đất ở còn tồn đọng cho dân; ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, khai thác khoáng sản, rừng, xây dựng, nhất là sử dụng đất sai mục đích, phá rừng, khai thác vật liệu xây dựng trái phép. Tích cực triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Chương trình hành động số 32 của Huyện uỷ (khoá X); tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất-kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

Thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án nông-lâm được chấp thuận đầu tư đi đôi với thường xuyên kiểm tra, kịp thời đề xuất xử lý các trường hợp chậm hoặc không triển khai nhưng không có lý do chính đáng. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng chuẩn văn minh đô thị ở Ma Lâm, Phú Long; chấn chỉnh công tác quản lý trật tự đô thị, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải ở khu dân cư.

7- Quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về giáo dục và đào tạo; chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh; tiếp tục triển khai các giải pháp chống bỏ học, phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nâng chất lượng giải thưởng học sinh giỏi “Lê Quý Đôn” của huyện.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng thiết thực; phát huy vai trò của Trung tâm dạy nghề và Trung tâm học tập cộng đồng. Nâng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành ở các cơ quan, đơn vị huyện và xã, thị trấn; khuyến khích việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.

8- Nâng chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục củng cố mạng lưới y tế cơ sở, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, nhất là công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình và phòng, chống trẻ em suy dinh dưỡng. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh hành nghề y, dược tư nhân và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

9- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng thực chất, xây dựng điểm “thôn, khu phố văn hóa”, xã “văn hóa nông thôn mới” bảo đảm hiệu quả thiết thực. Mở rộng các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng; nâng chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền.

10- Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội; tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công; mở rộng các hoạt động nhân đạo từ thiện; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững.

11- Xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh toàn diện; tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, phát hiện và xử lý kịp thời tình hình xảy ra, không để bị động, bất ngờ, phát sinh phức tạp. Hoàn thành tốt công tác giao quân, huấn luyện, diễn tập; đẩy mạnh giáo dục kiến thức quốc phòng-an ninh. Làm tốt công tác phòng ngừa xã hội đi đôi với tăng cường công tác đấu tranh trấn áp các hoạt động tội phạm, vi phạm, kiềm chế phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội.

IV/ Tổ chức thực hiện:

1- Các cấp, các ngành tổ chức quán triệt sâu kỹ Kết luận của Huyện ủy và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

2- Tiếp tục cải tiến, nâng chất lượng phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

3- Giao Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có kết quả Kết luận này.


Các tin khác