Tin tức

Hàm Thuận Bắc: Những kết quả nổi bật của Trường tiểu học Hàm Trí 2 về thực hiện chương trình SEQAP

  • /
  • 20.3.2014 - 15:49

Xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc có dân số trên 8.800 người, trong đó Lâm Giang là 1 trong 3 thôn thuần đồng bào dân tộc Chăm.

Là xã trung du miền núi với 90% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, mặt bằng dân trí không đồng đều, nên việc đầu tư, chăm lo học hành cho con cái có mặt hạn chế, nhiều người có suy nghĩ miễn sao cho con đến trường học cái chữ là tốt rồi, còn chất lượng học tập thế nào cũng được. Một bộ phận học sinh phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ vừa học, vừa làm, tức là học 1 buổi, buổi còn lại về phụ giúp gia đình như chăn bò, trông em, nấu cơm, hái củi…

Chính vì thế tháng 8/2010 khi Trường Tiểu học Hàm Trí 2 thực hiện cho học sinh học bán trú 2 buổi trên ngày theo chương trình SEQAP(Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học) và tổ chức cho một số học sinh ăn trưa và nghỉ trưa tại trường, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra không đồng tình. Ngay cuộc họp phụ huynh đầu năm để thông báo việc tổ chức cho học sinh học bán trú thì có đến 90% phụ huynh không đồng tình cho trường tham gia chương trình SEQAP vì lý do cơ sở vật chất nhà trường cũ kỹ, xuống cấp và không quen với cách học như vậy, phụ huynh nhất quyết không cho con em họ ở lại buổi trưa. Không chỉ phụ huynh, giáo viên cũng kịch liệt phản đối, vì cho rằng CSVC, các điều kiện tối thiểu về nơi ăn chốn ở không đảm bảo.

Nhưng với suy nghĩ muốn thành công phải nỗ lực, quyết tâm, tất cả vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu, Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai thực hiện chương trình theo trình tự từng bước. Trong đó, một mặt lo củng cố xây dựng đội ngũ giáo viên, phát huy nội lực, đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt như chổ ăn, nghỉ trưa đảm bảo những yêu cầu cơ bản nhất, mặt khác thực hiện chủ trương gắn nhà trường với cộng đồng – Tăng cường công tác xã hội hoá giáo dục và coi đây là một nhiệm vụ song hành với nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học để nhà trường sớm có đủ cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học cả ngày, tổ chức bán trú theo Chương trình SEQAP

Thông qua đó, nhà trường tập trung công tác tuyên truyền, thuyết phục phụ huynh thấy được mục đích, ý nghĩa thiết thực của chương trình, tạo điều kiện cho các em được học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý để phát triển trí tuệ, thể chất và nâng cao chất lượng học tập. Đồng thời phân công các thành viên trong hội đồng và Ban đại diện CMHS chịu trách nhiệm từng khâu công việc, kiên trì triển khai thực hiện theo phương châm làm đến đâu, chắc, hiệu quả đến đó. Ban giám hiệu nhà trường tiến hành vận động các nhà mạnh thường quân, các doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn, Chương trình Phát triển vùng Hàm Thuận Bắc, Ban đại diện CMHS huy động ngày công lao động để tu sửa CSVC, sửa chữa điện thắp sáng, nước sinh hoạt, làm máng nước rửa tay cho học sinh, tạo môi trường sạch đẹp, thoáng mát để phụ huynh yên tâm hơn khi cho con ở lại trường. Chung tay với nhà trường, chi bộ, Ban điều hành các thôn tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh có con em HS sinh được hỗ trợ bữa ăn trưa ủng hộ tiền mua tô, muỗng cho học sinh ăn, mua chiếu cho HS ngủ trưa; chọn những phụ huynh có uy tín trên địa bàn để tiến hành hợp đồng nấu ăn tại nhà vì trường chưa có bếp nấu ăn tập thể. Quá trình thực hiện, nhà trường và Đại diện cha mẹ học sinh trường thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chế biến thức ăn, bố trí thực đơn, khẩu phần ăn, đặc biệt là kiểm soát khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo cho các em cảm giác ăn ngon miệng, thoải mái và không nhàm chán. Lúc đầu nhiều phụ huynh thường ghé vào trường kiểm tra việc ăn uống, ngủ, nghỉ của học sinh, nhưng về sau phụ huynh hoàn toàn tin tưởng. Theo chương trình này, mỗi tuần Trường tiểu học Hàm Trí 2 tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 học bán trú 2 ngày, vào thứ 2 và thứ 3.

Sau một tháng thực hiện, các em HS bước đầu thấy ham thích khi ở lại trường, được vui chơi ngủ nghỉ, được ăn cơm tập thể, không phải đi về giữa trưa nắng, tinh thần thoải mái, học tập hứng thú hơn, ... phụ huynh bắt đầu yên tâm hơn, và đăng kí cho các em ở lại nhiều hơn. Thông qua các cuộc hội họp, sinh hoạt đoàn thể của thôn, Nhà trường tiếp tục tranh thủ vận động tuyên truyền đến phụ huynh về chương trình SEQAP và thông qua giáo viên chủ nhiệm, học sinh đã đăng kí ở lại bán trú tuyên truyền vận động phụ huynh những em chưa đăng kí bán trú tiếp tục đăng kí ở lại bán trú. Sau 03 năm thực hiện, nhiều phụ huynh không thuộc diện hỗ trợ của chương trình, thấy có ý nghĩa thiết thực đã tự nguyện đóng tiền, yên tâm cho con ăn cơm trưa và nghỉ ngơi tại trường. Hiện nay ngoài 103 học sinh được hỗ trợ tiền ăn từ chương trình SEQAP, còn có 35 em khác tự nguyện tham gia. Chính sự quan tâm chu đáo của Ban giám hiệu nhà trường và sự hợp tác chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhiều năm qua bếp ăn tập thể của Trường Tiểu học Hàm Trí 2 luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần chăm sóc sức khỏe học sinh.

Từ thành công của chương trình học bán trú 2 buổi/ngày kết hợp tổ chức cho học sinh ăn trưa, nghỉ trưa tại trường, tháng 4/2013, Trường Tiểu học Hàm Trí 2 tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình “sự tham gia của phụ huynh/cộng đồng vào hoạt động giáo dục ở trường”. Để triển khai mô hình này, nhà trường chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về chương trình giáo dục, như tuyên truyền bằng hình ảnh trên bản thông tin của trường, trên hệ thống truyền thanh của xã, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như phụ nữ, đoàn thanh niên..., họp phụ huynh học sinh...Đồng thời phát huy vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và các lớp trong việc tuyên truyền, vận động phụ huynh dành thời gian tham gia nhóm công tác của nhà trường để lập kế hoạch triển khai các hoạt động giáo dục ở trường.

Ban đại diện CMHS trường giám sát việc ăn trưa của học sinh.

Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền và hiểu được mục đích, ý nghĩa của mô hình nên cộng đồng phụ huynh của trường đã hưởng ứng tham gia tích cực. Nhiều phụ huynh sôi nổi, nhiệt tình đóng ý kiến, ý tưởng cho chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp và được giới thiệu tham gia các tổ công tác, nhóm chủ chốt thực hiện. Trên cơ sở ý kiến đóng góp về kế hoạch, phương pháp tổ chức, nguồn lực hỗ trợ, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường tổng hợp các ý kiến của phụ huynh, cùng với Hội đồng sư phạm nhà trường thống nhất chọn nội dung, phương pháp tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp với nhu cầu học sinh và truyền thống của địa phương. Trong đó hoạt động 1 là tổ chức các trò chơi dân gian như ném vòng, cướp cờ. Hoạt đồng 2 là tổ chức “hội vui đến trường” gồm 2 phần, diễn tiểu phẩm và hái hoa dân chủ. . Mỗi nội dung sinh hoạt đều có sự tham gia của giáo viên, học sinh và phụ huynh, qua mỗi hoạt động tất cả đều hồ hởi, vui vẻ, thân thiện.

Những hoạt động trên thật sự là sân chơi bổ ích, tạo được mối quan hệ gần gũi giữa phụ huynh và giáo viên, giữa giáo viên và học sinh, giữa nhà trường và xã hội; giúp phụ huynh hiểu sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với nhà trường tuyên truyền, giáo dục đạo đức, vận động học sinh đến trường. Đối với học sinh, thông qua các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, có cơ hội để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và cả ước mơ, đồng thời tạo tâm lý vui tươi, thân thiện với mọi người, qua đó kích thích tinh thần học tập tốt hơn, góp phần làm cho chất lượng giáo dục của trường có nhiều chuyển biến, học sinh khá giỏi hàng năm đều tăng, học sinh yếu kém giảm; đa số học sinh tự giác học tập chăm chỉ, không có hiện tượng học sinh bỏ học.

Không dừng lại ở những hoạt động nêu trên, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá khác nhằm giáo dục đạo đức, tinh thần tương thân tương ái, rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp cho học sinh, như: hình thành “Câu lạc bộ nhóm trẻ”; tổ chức “Hội trại giao lưu văn nghệ chào mừng ngày thành lập đoàn 26/3” hàng năm; tổ chức thi “Tìm hiểu luật Giao thông”, “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, thi trò chơi dân gian; tổ chức cho học sinh tham quan, dã ngoại khu Di Tích Dục Thanh, khu du lịch Suối Cát tại Thành Phố Phan Thiết; lao động vệ sinh, thắp hương Đài Tưởng Niệm xã Hàm Trí nhân ngày giải phóng Hàm Thuận (08/4) hàng năm.

Cũng chính từ những hoạt động cộng đồng trên mà nhiều phụ huynh đã tích cực tham đóng góp, hỗ trợ kinh phí để cải thiện cơ sở vật chất nhà trường và giúp đỡ, những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 3 năm qua, nhà trường đã huy động được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh và phụ huynh qui tiền là 317 triệu đồng để tổ chức cho 100% HS học cả ngày và ăn trưa, mua tô, muỗng, chiếu, lát gạch men 5 phòng, quét vôi các phòng học, làm máng nước rửa tay cho học sinh, bổ sung điện, quạt cho các phòng học và phòng làm việc, trang bị 40 bộ bàn ghế học sinh 2 chỗ ngồi, 02 bộ máy vi tính để bàn và 01 laptop phục vụ dạy và học. Tặng 30 phần quà trị giá 500.000 đồng/phần cho 30 học sinh nghèo hiếu học và nhiều nội dung khác có giá trị.

Những gì mà Trường tiểu học Hàm Trí 2 đạt được qua hơn 3 năm thực hiện chương trình SEQAP là kết quả sự nỗ lực, vượt khó của tập thể Hội đồng sư phạm, sự phối hợp nhịp nhàng với Ban đại diện cha mẹ học sinh và tinh thần hưởng ứng tích cực của phụ huynh, học sinh Trường. Tuy chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu của giáo dục trong giai đoạn hiện nay song đó sẽ là tiền đề, là động lực quan trọng để Trường tiểu học Hàm Trí 2 có những bước đi vững chắc trong tiến trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Thành Khoa


  • |
  • 1920
  • |

Các tin khác