Tin tức

Đồng bào K’Ho, xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc thay đổi nhận thức về sinh kế

Tư tưởng sinh ra từ rừng, sinh kế từ rừng của đồng bào K’Ho vùng cao xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc hôm nay đã được đẩy lùi. Lớp  cha, anh bây giờ không còn chỉ bảo các con phát cái nương, cái rẫy mà bảo các con chăm lo học tập cho tốt để mai này vận dụng những tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh có hiệu quả các loại cây trồng, vật nuôi trên diện tích đất mà Nhà nước cấp.

Bà con chăm sốc bắp.

Những chuyển biến, đổi thay trong suy nghĩ, cũng như trong hành động của đồng bào bắt nguồn từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã quan tâm, ưu tiên cho đồng bào bằng các chương trình, dự án phục vụ dân sinh, kinh tế-xã hội. Trong đó, các chương trình tạo sinh kế bền vững đã góp phần tác động sâu sắc đến đời sống, sản xuất của đồng bào. Đơn cử dự án NoRad được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay, tại xã vùng cao Đông Tiến, đồng bào được hỗ trợ, tạo sinh kế với nhiều hoạt động thiết thực về thâm canh cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập gia đình, như: hoạt động hỗ trợ vốn vay, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm,... Tuy vốn vay không nhiều, chỉ từ 2 – 5 triệu đồng cho mỗi hộ, song đồng bào đã vận dụng phù hợp vào điều kiện thực tiễn sản xuất của gia đình, phát huy hiệu quả kinh tế cây trồng, vật nuôi lợi thế. Điển hình như: chị KThị Hổi thuộc cộng đồng Con Hai vay tiền dự án 3 triệu đồng đầu tư, phát huy nghề chăn nuôi heo đen địa phương. Phương thức nuôi áp dụng theo qui trình, kỹ thuật được dự án NoRad tập huấn; heo được nuôi nhốt, chăm sóc phòng ngừa các bệnh, không phải thả rong như trước, phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Chị Hổi nói: heo được nuôi nhốt bảo vệ bằng hàng rào lưới B40, thuận lợi chăm sóc, theo dõi dịch bệnh, nhanh lớn hơn.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án NoRad, đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Trong đó, tổ chức lớp đào tạo 4 thú y viên tại 4 cộng đồng KHo Đông Tiến, nhằm phục vụ tốt công tác phòng ngừa và điều trị các bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của đồng bào. Đối với những hộ có điều kiện về đất canh tác thì đầu tư thâm canh có hiệu quả 2 loại cây trồng chính là bắp và đậu các loại. Bà  KThị Dong thuộc cộng đồng Tan Buoi chuyên sản xuất 1 ha đất màu cho biết: Nhờ có nguồn vốn vay này mà gia đình có điều kiện đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như chi phí công làm đất, xuống giống, không phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao, nhờ đó mà từ năm 2016 đến nay, thu nhập của gia đình khá hơn, 3 người con lần lược tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Dự án Norad triển khai ở 4 cộng đồng xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc gồm: cộng đồng Con Hai, Trung Bi-Tan Buoi, Nui Go với 96 hộ tham gia. Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn dự án đã giải ngân cho 96 hộ vay đầu tư phát triển sản xuất hơn 270 triệu đồng. Trung bình mỗi hộ vay từ 2 đến 5 triệu đồng. Bà  KThị Hòm – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Tiến cho biết: để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội Phụ nữ xã thành lập Câu lạc bộ, quy tập chị em tham gia vay vốn thường xuyên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp sử dụng vốn hiệu quả, cũng như đến kỳ trả vốn đúng hạn để luân chuyển cho các thành viên khác trong cộng đồng vay theo hình thức xoay vòng, tất cả các thành viên đều được tiếp cận nguồn vốn.

Sinh ra, lớn lên từ rừng, đồng bào dân tộc thiểu số  KHo, xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc rất quý trọng màu xanh của rừng. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư trên nhiều lĩnh vực, phục vụ sản xuất và đời sống; bộ mặt nông thôn, miền núi vùng cao Đông Tiến hôm nay có nhiều khởi sắc, đồng bào phấn khởi, ra sức thi đua bảo vệ tốt diện tích rừng do Nhà nước giao khoán. Toàn xã Đông Tiến có tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng 9.775ha, được phân chia thành 15 tiểu khu. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giao nhận khoán bảo vệ rừng, đến nay, xã Đông Tiến đã giao cho 249 hộ (chiếm trên 75% dân số) nhận khoán bảo vệ 8.587 ha rừng. Xã  thành lập 4 chốt trực: gồm chốt Trũng Bí, Nách Nai, Đan Sách, Buôn Cùi, với 35 tổ, nhóm, xoay vòng trực chốt, tuần tra, bảo vệ rừng với tinh thần trách nhiệm cao. Ông KVăn Góa – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến cho biết: Hiệu quả lớn nhất đối với các chương trình tạo sinh kế, cụ thể dự án Norad, đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh, cây trồng, vật nuôi phù hợp tại địa phương, quan tâm bảo vệ diện tích rừng mà gia đình nhận khoán./.


Các tin khác