Một số vấn đề nổi lên ở các tổ chức cơ sở đảng qua thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian đến

Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc có 40 cơ sở đảng, trong đó có 23 đảng bộ (gồm 236 chi bộ trực thuộc) và 17 chi bộ cơ sở. Hiện nay, còn 37 tổ chức cơ sở đảng, gồm 23 đảng bộ (giảm 01 đảng bộ so với đầu nhiệm kỳ, với 234 chi bộ trực thuộc) và 14 chi bộ cơ sở (giảm 03 chi bộ so với đầu nhiệm kỳ).

Ảnh: Dự hội nghị trực tuyến tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh

Nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy, sự hướng dẫn, đôn đốc về mặt nghiệp vụ của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn huyện đã có nhiều nỗ lực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc kịp thời các quy định, hướng dẫn của cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đạt được kết quả khá toàn diện. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy cơ sở trong huyện được đẩy mạnh, tập vào những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực, những nơi có vấn đề nổi cộm và tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Nhiều vụ việc phức tạp, nhạy cảm dư luận xã hội quan tâm đã được xem xét, kết luận và xử lý. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được các tổ chức cơ sở đảng quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời.

          Trong nhiệm kỳ có 83 lượt cấp ủy cơ sở thành lập 231 tổ và tiến hành 164 cuộc kiểm tra, tự kiểm tra đối với 556 lượt chi bộ và 120 lượt đảng viên (tăng 95 lượt đảng viên so với cùng kỳ nhiệm kỳ trước). Có 32 lượt cấp ủy cơ sở thành lập 62 tổ giám sát và tiến hành 45 cuộc giám sát đối với 86 lượt chi bộ và 51 đảng viên (tăng 46 lượt chi bộ và 51 đảng viên so với cùng kỳ nhiệm kỳ trước). Các cấp ủy cơ sở và chi bộ trực thuộc cơ sở thi hành kỷ luật 56 đảng viên (06 cấp ủy viên cơ sở và 05 chi ủy viên chi bộ trực thuộc cơ sở) bằng các hình thức khiển trách: 46, Cảnh cáo: 8, Cách chức: 02.

          Phải nói rằng hoạt động kiểm tra, giám sát của các tổ chức cơ sở đảng trong 5 năm qua đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, kỷ cương, kỷ luật được siết chặt, có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên. Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở, trước hết là người đứng đầu về vị trí vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên.

          Tuy nhiên, so với yêu cầu thì công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng ở các tổ chức cơ sở đảng vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế, nổi lên là: Một số cấp ủy cơ sở chậm xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm; chưa chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch đề ra nên kết quả đạt được chưa cao. Việc xác định nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy cơ sở còn dàn trãi, không trọng tâm và chưa phù hợp. Tiến độ giải quyết, xử lý và kết luận một số vụ, việc qua kiểm tra, giám sát còn chậm; việc thực hiện quy trình, thủ tục, hồ sơ trong quá trình kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư, thi hành kỷ luật trong Đảng của một số cấp ủy cơ sở trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, còn sai sót. Vẫn còn cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật, vẫn còn tư tưởng “khoán” cho ủy ban kiểm tra cùng cấp.

          Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên là do người đứng đầu một số cấp ủy cơ sở còn xem nhẹ vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát nên chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện; sau Đại hội Đảng các cấp, đội ngũ làm công tác kiểm tra, giám sát có thay đổi, trẻ hóa, thiếu kinh nghiệm nên còn lúng túng, tham mưu có lúc chưa kịp thời. Trách nhiệm, năng lực của một vài đồng chí làm công tác kiểm tra chậm được nâng lên. Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ kiểm tra chuyên trách cơ sở chưa tạo được động lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

          Để nâng chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng ở các tổ chức cơ sở đảng trong nhiệm kỳ đến, cần quan tâm một số giải pháp sau:

          Một là, cấp ủy ở các tổ chức cơ sở đảng phải triển khai quyết liệt các giải pháp để tiếp tục nâng cao nhận thức trong tổ chức đảng, đảng viên về vai trò, mục đích, ý nghĩa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Trước hết, người đứng đầu cấp ủy phải nhận thức đầy đủ và phải trực tiếp quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác kiểm tra, giám sát ở tổ chức mình. Thực tiễn cho thấy, nơi nào người đứng đầu cấp ủy quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát thì nơi đó công tác kiểm tra, giám sát sẽ đạt được những kết quả tích cực.

          Hai là, cấp ủy ở các tổ chức cơ sở đảng phải chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng nghiên cứu, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng để các tổ chức Đảng và đảng viên nắm vững và tự giác chấp hành. Cấp ủy các cấp nhất là Chi bộ cần tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm hoặc không để tái phạm, góp phần chủ động thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

          Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy ở các tổ chức cơ sở đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát theo phương châm “giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”; đẩy mạnh nhiệm vụ kiểm tra đảng viên kể cả cấp ủy viên cùng cấp, tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; tăng cường giám sát thường xuyên, thực hiện giám sát chuyên đề ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, xây dựng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…

          Bốn là, cấp ủy cơ sở phải thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn Ủy ban Kiểm tra cấp mình gắn với rà soát, điều chỉnh, bổ sung để ban hành quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra cơ sở sau đại hội. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra bảo đảm đủ bản lĩnh, năng lực và trình độ, đặc biệt là đạo đức để đảm đương nhiệm vụ được giao.

          Năm là, đội ngũ làm công tác kiểm tra ở cơ sở, nhất là chủ nhiệm và phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra có sự thay đổi về mặt nhân sự sau đại hội đảng, do đó cần sớm quan tâm mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng để đội ngũ này sớm tiếp cận, nắm bắt và thực hiện được chặc chẽ, đúng quy trình quy định. Mặt khác, tiếp tục kiến nghị cấp thẩm quyền quan tâm hỗ trợ các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra cấp cơ sở, nhất là phó chủ nhiệm chuyên trách ở các xã, thị trấn, qua đó tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ kiểm tra yên tâm công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao./.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO