Mặt trận huyện

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp thực hiện mô hình “Cánh đồng không dấu chân”

Trong môi trường cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, cùng với những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo: số lượng lớn, chất lượng đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, giá thành giảm. Do đó, việc áp dụng mô hình “cánh đồng không dấu chân” là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nghĩa là việc sản xuất lúa phải được thực hiện bằng cơ giới hóa từ khâu làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, thu hoạch, nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm lúa, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Lợi ích khi thực hiện mô hình “cánh đồng không dấu chân" không chỉ giảm dư lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, mà còn giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Tác dụng nữa của mô hình này là người nông dân không trực tiếp lội ruộng nên hạn chế khả năng mang các mầm bệnh gây hại cho cây trồng phát tán từ cánh đồng này sang cánh đồng khác và bảo đảm sức khỏe của nông dân.

Máy bay không người lái đang phun thuốc tại cánh đồng lúa của Hợp tác xã Thanh long Phú Thịnh, Hàm Phú, Hàm Thuận Bắc.

Đặc biệt, khi thực hiện mô hình này sẽ hình thành các mô hình kinh tế tập thể gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, khắc phục tình trạng bỏ ruộng, có thể trực tiếp ký hợp đồng bền lâu với các doanh nghiệp lớn, khắc phục tình trạng bị các thương lái ép giá, được mùa mất giá.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 181 mô hình kinh tế tập thể trên lĩnh vực nông nghiệp, có 2.843 thành viên. Trong đó, có 6 chi hội nghề nghiệp/167 thành viên; 53 tổ hội nghề nghiệp/588 thành viên; 18 Hợp tác xã/262 thành viên; 94 tổ hợp tác/1.396 thành viên; 33 Câu lạc bộ khuyến nông/430 thành viên. Tuy nhiên, hiện nay, số hộ nông nghiệp tham gia thành viên của các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện rất thấp, chỉ đạt 9,27%. Hình thức sản xuất lúa hiện nay chủ yếu theo hộ gia đình, sản xuất không đồng loạt, diện tích nhỏ lẽ, không tập trung, chi phí đầu tư mua sắm các thiết bị hiện đại như máy cáy, máy cày, máy bay phun thuốc không người lái khá cao, nên việc áp dụng mô hình “cánh đồng không dấu chân” trên địa bàn huyện rất khó khăn.

Để áp dụng mô hình “cánh đồng không dấu chân”, đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa, nhất là sử dụng máy bay không người lái phun thuốc tại các cánh đồng lúa trong thời gian tới ngoài việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất đồng loạt, cũng rất cần sự quan tâm của các UBND huyện, Ngân hàng Nông nghiệp, PTNT; Ngân hàng chính sách xã hội huyện … hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các hợp tác xã để mua sắm các trang thiết bị nông nghiệp hiện đại, nhất là máy bay không người lái phun thuốc phục vụ sản xuất nông nghiệp.


Các tin khác