Tin tức

Giải pháp nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Hàm Thuận Bắc

  • /
  • 22.8.2013 - 15:57

Hai mươi năm qua, kể từ ngày thành lập hệ thống khuyến nông huyện theo tinh thần Nghị định số 13-NĐ/CP, ngày 2/3/1993 của Chính phủ; đến nay, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đã triển khai thực hiện hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp. Số lượng khá nhiều, nhưng chất lượng và hiệu quả các mô hình ra sao? Cần đánh giá nghiêm túc và nhận rõ những mặt được, chưa được, những khó khăn, tồn tại và nguyên nhân để tiếp tục đề ra giải pháp duy trì và nhân rộng trong thời gian tới.

Phải nói hầu hết các mô hình được triển khai, nhân rộng đều đạt hiệu quả kinh tế cao, nổi rõ là các mô hình nhân giống lúa xác nhận,sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng” trồng bắp lai, cải tạo đàn bò, nuôi gà sinh học, nuôi gà thả vườn, nuôi vịt siêu trứng,chế biến thức ăn gia súc; các mô hình máy gặt xếp dãy, máy phun cao áp; công cụ sạ hàng, bình phun thuốc xạc điện. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có các mô hình trồng, chăm sóc và cạo mũ cao su, thâm canh lúa nước, cải tạo vườn điều, nuôi gà thả vườn. Các mô hình này bước đầu đã khẳng định hướng đi đúng, giúp chuyển giao khoa học giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học để nâng cao thu nhập cho nhân dân; đặc biệt giúp đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt được kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi tập quán sản xuất cũ,hình thành phương thức sản xuất hàng hóa; từ đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.

Bên cạnh những mặt được vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, được nông dân chú ý phát triển, nhưng mở rộng không nhiều như mô hình chuyển giao giống lúa mới cho năng suất cao, phẩm chất tốt, mô hình sản xuất lúa GAP, quản lý dịch hại tổng hợp bằng công nghệ sinh thái, thâm canh cây thanh long tăng năng suất, nhân giống thanh long ruột đỏ, sản xuất rau an toàn, trồng đậu phụng, khoai mì, ca cao;các mô hình nạt hóa đàn heo, nuôi heo rừng, nuôi giông. Nhìn chung các mô hình đều được phân bổ phù hợp với điều kiện nuôi trồng từng vùng, từng địa phương, được đông đảo nông dân hưởng ứng. Tuy nhiên, nông dân chưa quen với hình thức liên kết sản xuất, nhất là liên kết với doanh nghiêp giải quyết khâu đầu ra; có tình trạng sản phẩm làm ra lúc đầu được giá, về sau mất giá, từ khí thế phấn khởi chuyển sang chán nản, bỏ mặc mô hình. Diễn biến của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai, môi trường có lúc, có nơi phức tạp, tác động xấu đến việc nhân rộng mô hình. Tổ chức tập huấn kỹ thuật lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều kênh thông tin, nhiều người thông hiểu nhưng ứng dụng xây dựng mô hình chưa nhiều, chưa sâu và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Có mô hình được thực hiện tốt nhưng đầu tư tiền vốn, chi phí nhiều, lao động thiếu, tiêu thụ khó, giá thấp không tương ứng nên ít được đầu tư nhân rộng.

Hướng đến, trước mắt cũng như lâu dài, các mô hình vẫn tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo bước chuyển mạnh mẽ về tăng năng suất, chất lượng cây trồng, con nuôi. Xem đây là một giải pháp thiết yếu và mấu chốt mà các cấp, các ngành trong huyện phải tập trung triển khai thực hiện để phát triển nông nghiệp toàn diện,bền vững,hiệu quả, không ngừng nâng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân; góp phần thực hiện đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Phải tạo sự liên kết đồng bộ, chặt chẽ hơn giữa các nhà: nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng trong việc tổ chức sản xuất, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm người dân có lãi khi tham gia mô hình. Trạm Khuyến nông huyện và khuyến nông cơ sở phải thường xuyên đánh giá tình hình kết quả thực hiện mô hình, giúp cho nông dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai có hiệu quả mô hình. Kiến nghị cấp trên đầu tư kinh phí phải đủ thời gian cần thiết để giúp nông dân xây dựng thành công mô hình; đồng thời động viên nông dân biết tự lực cánh sinh, không trông chờ vào nhà nước, tin tưởng, kiên trì xây dựng mô hình.

Lê Thương


  • |
  • 758
  • |

Các tin khác