Nhân dịp này, phóng viên Đài Truyền thanh huyện Hàm Thuận Bắc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bốn, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận giai (đoạn 1960-1967) và hiện là Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị tỉnh Bình Thuận về sự kiện lịch sử này.
PV: Thưa ông, được biết ông là một trong những người đã từng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Bình Thuận nói chung và Hàm Thuận nói riêng trong những ngày lịch sử tháng tám năm 1945, vậy ông có thể kể lại diễn biến cũng như khống khí những ngày lịch sử ấy.
Ông Nguyễn Văn Bốn: Tôi còn nhớ rất rõ, ngày 9/3/1945, quân Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ cách mạng đã đến, các đồng chí ở các lao tù đế quốc như Nguyễn Gia Tú, Nguyễn Tương, Nguyễn Sắc Kim, Nguyễn Nhơn, Nguyễn Chúc, Nguyễn Đức Dương thoát nhà tù Buôn mê Thuộc trở về đã lập Ban lãnh đạo khởi nghĩa và phân công đồng chí Nguyễn Tương trực tiếp lãnh đạo phong trào ở Hàm Thuận. Sáng ngày 24/8/1945, Tỉnh trưởng Huỳnh Dư đến gặp các đồng chí Nguyễn Tương và Nguyễn Nhơn để nộp ấn tín, từ đó Hàm Thuận cùng với tỉnh Bình Thuận đã giành chính quyền. Rạng sáng ngày 25/8/1945, hàng ngàn đồng bào ở Hàm Thuận, hàng ngũ chỉnh tề tiến về Phan Thiết trang bị giáo mác, gậy gộc, đánh trống thúc giục hô vang khẩu hiệu “ Đã đảo phát xít Nhật, Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm, Việt Minh muôn năm” tất cả đều tập hợp về Sân vận động Phan Thiết để dự lễ ra mắt Uỷ ban cách mạng tỉnh. Khi đồng chí Nguyễn Tương, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh, giới thiệu đồng chí Nguyễn Nhơn làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, thì hàng vạn đồng bào, trong tay cầm cờ đỏ sao vàng, hoan hô “Nước Việt Nam độc lập, chính quyền về tay nhân dân”. Tiếp đến, ngày 2/9/1945, các địa phương đều tổ chức mít ting để chào mừng Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và hân hoan nghe bản Tuyên Ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Ba Đình lịch sử.
PV: Thưa ông, vào thời điểm đó ông bao nhiêu tuổi và đang làm gì, ở đâu ạ!
Ông Nguyễn Văn Bốn: Vào thời điểm này, tôi mới 16 tuổi, vừa tốt nghiệp Prime trở về, được đồng chí Nguyễn Tương giao nhiệm vụ làm liên lạc, viết khẩu hiệu, in truyền đơn, cầm loa kêu gọi nhân dân vùng lên giành chính quyền.
PV: Thưa ông sau khi giành chính quyền, những công việc đầu tiên của chính quyền Bình Thuận nói chung và Hàm Thuận nói riêng là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Sau khi giành chính quyền, nhân dân rất tự hào trước sự nghiệp cách mạng thành công, chính quyền đã thuộc về tay nhân dân; UBND huyện Hàm Thuận do đồng chí Nguyễn Gia Tú làm Chủ tịch. Lúc bấy giờ, nhân dân tích cực tham gia chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, đặc biệt là hưởng ứng tuần lễ vàng để phục vụ kháng chiến. Đến giữa tháng 11 năm 1945, quân Nhật từ Sài gòn ra chiếm Phan Thiết, quân dân ta đã thực hiện mệnh lệnh chống giặc quyết liệt để giữ chính quyền và đến giữa tháng 12/1945, quân Nhật phải rút chạy. Những ngày cuối năm 1945, nhân dân Bình Thuận háo hức tham gia tổng tuyển cử, bầu đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 6 tháng giêng năm 1946. Ban bầu cử tỉnh ta giới thiệu 12 ứng cử viên, lúc đó cử tri đã xếp lại thành hai câu đối treo tại các điểm bỏ phiếu:
“Tương, Nhung, Quang, Giảng, Trà, Thời, Chất
Đối, Luận, Đàn, Nga, Đáng, Ngọc, Trình”
Có khoảng 99% cử tri tham gia bỏ phiếu, kết quả là 2 đồng chí Nguyễn Tương và Huỳnh Tấn Đối đắc cử đại biểu Quốc hội.
Trãi qua hơn 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thành tích của nhân dân Hàm Thuận đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Năm 1972, xã Hàm Liêm được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí Tô Phụ-chiến sĩ du kích xã Hàm Liêm được phong tặng chiến sĩ thi đua quân khu, được đi dự Đại hội thi đua toàn quốc tại chiến khu Việt Bắc. Đến ngày giải phóng, huyện Hàm Thuận được phong tăng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là truyền thống anh hùng, bất khuất của nhân dân Bình Thuận nói chung, Hàm Thuận nói riêng, góp phần viết lên trang sử vẽ vang để lại cho muôn đời sau.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã nhận lời buổi trò chuyện này!
Lê Thanh-Mộng Trinh