Tin tức

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Mai - Tượng đài bất diệt của tinh thần cách mạng Việt Nam

“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” - phương châm hành động này đã chứng minh cho quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” của dân tộc và đã được các thế hệ quân dân trong cả nước nói chung, huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng thể hiện qua 2 cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước. Nhiều người đã hi sinh hoặc mất đi một phần thân thể để hiện thực hóa phương châm này, trong số đó, Tổ quốc, nhân dân mãi mãi khắc ghi tấm gương anh dũng, bất khuất, kiên trung của người nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Mai.       

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Mai.

Với biệt danh “Tám Tiệm”, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Mai sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng Hàm Liêm anh hùng. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là địa bàn luôn sôi sục, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa địch và ta. Cũng tại đây, địch đã dùng nhiều thủ đoạn đàn áp dã man các phong trào cách mạng. Căm thù giặc sâu sắc và nghe theo tiếng gọi của Đảng, năm 1961, khi vừa tròn 14 tuổi, Phạm Thị Mai đã tình nguyện tham gia làm liên lạc, vận chuyển vũ khí, tiếp tế thuốc men, lương thực vào các ấp chiến lược cho quân ta. Đến năm 17 tuổi, bà được giao nhiệm vụ Phó bí thư Xã đoàn Hàm Liêm, đồng thời là đội viên du kích mật Sông Nhị, hoạt động khắp các vùng Hàm Tiến, Hàm Phong và Hàm Hiệp. Nhờ lòng quả cảm, tích cực tham gia chiến đấu, tháng 2/1965 Phạm Thị Mai vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai năm sau đó, bà được phân công làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Lúc bấy giờ, phong trào chiến đấu của cánh mạng đang nở rộ, bà tiếp tục được điều động làm chính trị viên Xã đội Hàm Liêm, chỉ huy du kích mật tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại địa phương. Cuối tháng 3/1968, trong một trận chống địch càn quét vào địa bàn, Phạm Thị Mai đã anh dũng chiến đấu và bị thương nặng; sau đó bị địch bắt, tra tấn hành hạ hết sức dã man, thậm chí chúng đã cắt cụt 2 chân của bà hòng khai thác thông tin về cơ sở cách mạng. Không khai thác được gì, thấy bà đã tàn phế, địch nghĩ rằng bà không còn đủ sức hoạt động, nên đầu năm 1970, chúng đã thả tự do cho bà. Vừa ra khỏi tù, vết thương chưa lành hẳn, nữ chiến sĩ Phạm Thị Mai lại bắt liên lạc ngay với cơ sở cách mạng, tiếp tục tham gia kháng chiến cho đến ngày giải phóng.

Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, người chiến sĩ cách mạng kiên trung Phạm Thị Mai tiếp tục gắn bó phần còn lại của cuộc đời mình với quê hương Hàm Liêm anh hùng, nơi bản thân bà và đồng đội từng kiên cường bám trụ, chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Thời điểm này, người lành lặn mưu sinh đã khó, huống chi bà thân thể không toàn vẹn. Thế nhưng chỉ với đôi tay còn lại, bà Mai vẫn chủ động tham gia cùng chính quyền rà phá bom, mìn, lấy đất sản xuất, phấn đấu làm ăn vươn lên.

Bước vào thời kì đất nước đổi mới, các chính sách ưu đãi dành cho người có công được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện. Cùng với nhiều đối tượng chính sách khác, bà Phạm Thị Mai luôn nhận được sự quan tâm đãi ngộ đặc biệt. Đáng chú ý là ngoài chế độ thương binh được hưởng, bà được cấp ngôi nhà tình nghĩa khang trang, trở thành điểm tựa cho gia đình bà và là nơi hội tụ, diễn ra các hoạt động thăm hỏi, gặp mặt đồng đội, đồng chí.

Không khuất phục kẻ thù trong thời chiến, không cam chịu khó khăn trong thời bình. Dù chỉ với tấm thân tật nguyền, nhưng bà Phạm Thị Mai vẫn sáng mãi tấm lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng; biến khí khách của sức trẻ trong thời kì cách mạng hào hùng thành nghị lực để vươn lên, tạo dựng cuộc sống gia đình no ấm. Niềm hạnh phúc ấy xem ra khá nhỏ nhoi với nhiều người, nhưng với bà nó là cả niềm mơ ước khi một phần thân thể đã hi sinh cho đất nước, cho cách mạng.

Năm 2000, niềm vinh dự lớn đã đến với nữ chiến sĩ Phạm Thị Mai khi bà được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Đây là ghi nhận kịp thời đối với sự hi sinh, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cách mạng của bà. Dù hiện nay, tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm nhiều, nhưng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Mai vẫn là hiện thân của tấm gương anh dũng, bất khuất và mãi là tượng đài bất diệt về tinh thần cách mạng cho muôn đời sau.


Các tin khác