Tin tức

Công tác dư luận xã hội ở Hàm Thuận Bắc sau 05 năm thực hiện Kết luận 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư (khóa XI)

Nắm bắt dư luận xã hội và xử lý thông tin dư luận xã hội, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất thực hiện nhiệm vụ chính trị. Từ nhận thức trên, đồng thời với quá trình lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ, Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm, chỉ đạo công tác nắm bắt dư luận xã hội, chú trọng những vấn đề xảy ra ở từng cơ sở, phân loại thông tin và giao trách nhiệm cho từng tổ chức giải quyết các thông tin mà dư luận quan tâm, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành trong huyện.

Thực hiện Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa XI), Kế hoạch 37-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hướng dẫn 29-HD/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Kế hoạch 72-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy; Ban Thường vụ Huyện ủy giao trách nhiệm cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì tổ chức giao ban công tác dư luận xã hội huyện định kỳ 2 tháng/lần. Nội dung giao ban được chuẩn bị trước qua tổng hợp phản ánh thông tin, dư luận xã hội và các vấn đề bức xúc nổi lên trong dân của các cộng tác viên dư luận xã hội huyện phụ trách địa bàn ở cơ sở, trên cơ sở đó thống nhất nội dung phản ánh và đề xuất giải pháp để báo cáo với cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo xử lý, giải quyết. Gần đây, Ban Chỉ đạo đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa” cấp huyện đã thành lập các nhóm facebook công khai ở 17/17 xã, thị trấn và Mặt trận, đòan thể huyện để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đấu tranh trên mạng xã hội; từ nguồn thông tin trên mạng xã hội, các thành viên của Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động xuống địa bàn để nắm bắt tình hình và viết bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các phần tử xấu nhằm định hướng thông tin dư luận xã hội đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần định hướng, ổn định tư tưởng cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

Để nâng cao kỹ năng công tác cho đội ngũ này, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên giáo cơ sở, gắn với tập huấn công tác nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội cho cán bộ làm công tác tuyên giáo xã, thị trấn và cộng tác dư luận xã hội huyện và cơ sở; đồng thời cử đội ngũ này tham dự đầy đủ các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức. Quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên củng cố, bổ sung thành viên Tổ dư luận xã hội huyện khi nhân sự có thay đổi; đồng thời, áp dụng chế độ chi trả thù lao hàng tháng cho cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện là 0,2 lần mức lương cơ sở (theo Quyết định 309/QĐ-UBND, ngày 03/02/2017 của UBND tỉnh Bình Thuận). Qua đó, giúp cho cộng tác viên dư luận xã hội huyện và cơ sở tiếp cận, nắm bắt được những nội dung cơ bản về nội dung, phương pháp nắm bắt, phân tích, tổng hợp và phản ánh thông tin, dư luận xã hội thuộc địa bàn phụ trách.

Thực hiện Quy chế hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện, định kỳ (2 tháng/lần), Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức giao ban công tác dư luận xã hội. Qua giao ban, các cộng tác viên dư luận xã hội phản ánh tình hình ở địa bàn, lĩnh vực và được cơ quan thường trực chọn lọc và đề xuất giải pháp để báo cáo với cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo xử lý, giải quyết. Kết quả, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã ban hành 15 văn bản (01 công văn, 14 báo cáo) với các nhóm vấn đề được phản ánh (45 lượt vụ việc), cụ thể như: tình trạng mua bán, sử dụng chất ma túy trong thanh thiếu niên; thanh thiếu niên tham gia giao thông lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm; việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, nhất là các trang trại chăn nuôi heo (vấn đề này được phản ánh nhiều lượt); vụ xâm hại tình dục; chất lượng của các công trình (tuyến đường nhựa, bê tông) mới đưa vào sử dụng nhưng mau xuống cấp; các chính sách hỗ trợ đền bù cho bà con sản xuất khi bị thiên tai, lũ lụt; tình trạng xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư; việc khai thác, vận chuyển cát trái phép xây dựng (vấn đề này được phản ánh nhiều lượt); các tổ chức tín dụng đen cho vay với thủ tục đơn giản nhưng lãi suất cao và đòi nợ kiểu xã hội đen; việc 2 cán bộ xã nhận vay vốn của nhiều người trên 5 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán; điện lưới dùng trong sinh hoạt của 2 xã vùng cao. Qua đó, UBND huyện đã ban hành văn bản đề nghị các ngành chức năng khẩn trương rà soát, giải quyết từng vụ, việc. Có thể nói rằng, việc nắm bắt thông tin dư luận xã hội góp phần cung cấp thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cấp ủy, chính quyền huyện nhà.


Các tin khác