Tính đến tháng 8 năm 2013, tổng đàn trâu, bò của huyện Hàm Thuận Bắc có 39.300 con, chiếm gẩn 30% tổng đàn bò của tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đàn bò có số lượng cao nhưng chất lượng còn kém nhất là vào những tháng mùa khô bà con chăn thả bò tự do ngoài đồng, ven các tán rừng do thiếu thức ăn, nước uống nên bò bị gầy ốm, còi cọc. Từ năm 2002, chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò vàng có ngại hình nhỏ, chất lượng, giá trị thấp để tạo đàn bò Laisind có ngoại hình và chất lượng, giá trị cao. Bà con được hỗ trợ trồng cỏ Voi, cỏ VA06, cỏ Xả... Có nguồn thức ăn dồi dào, nhiều hộ nông dân đi tìm mua những con bò ốm yếu về chăm sóc, từ đó hình thành nghề nuôi bò vỗ béo, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Phong trào nuôi bò vỗ béo phát triển ở các xã miền núi Hồng Liêm, Hàm Trí, Hàm Phú, Thuận Hòa, Thuận Minh…nhiều gia đình giàu lên nhờ nuôi vỗ béo bò vì trong quá trình thực hiện họ có kinh nghiệm trong chọn giống, chế độ chăm sóc hợp lý.
Anh Lê bên con bò nuôi vỗ béo.
Anh Trần Văn Lê, thôn Dân Lễ, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc là người có nhiều kinh nghiệm trong nuôi bò vỗ béo ở địa phương. Ban đầu anh chỉ nuôi thử nghiệm 1 con theo hình thức vỗ béo. sau 3 tháng anh thấy hiệu quả hơn nên anh đã đầu tư sửa chữa chuồng trại, trồng cỏ mở rộng quy mô. Hiện nay, anh luôn duy trì 1 cặp bò nhỏ, 1 cặp vừa, một cặp lớn, nuôi theo hình thức “gối đầu”, cứ bán cặp lớn thì mua thêm một cặp nhỏ về vỗ béo. Với cách nuôi này, năm nào anh cũng có bò bán, thu về khoản tiền khá lớn. Anh Lê, cho biết: “Mua cặp bò gầy ôm 1,5 tuổi, giá thời điểm hiện nay khoảng 8 triệu đồng, sau 10 tháng vỗ béo bán được khoảng 19 triệu đồng/cặp. Khi mới mua về, tôi tẩy ký sinh trùng nội, ngoại cho bỏ, chích thêm thuốc bổ ADE và có chế độ ăn đủ thực ăn thô, xanh. Thực tế qua nhiều năm nuôi vỗ béo bò tôi chỉ đầu tư tiền mua giống ban đầu, còn thức ăn tận dụng được từ phụ phẩm nông nghiệp, giảm được nhiều chi phí, nên lợi nhuận cao, lãi ròng 11 triệu/cặp”.
Nhờ chế độ ăn uống tốt, nuôi nhốt trong chuồng ít bị tác động của biến đổi thời tiết nên bò ít bị bệnh. Tuy nhiên, thi thoảng bò vẫn gặp một số bệnh như lở mồm long móng, cúm…hộ nuôi cần phát hiện sớm để chữa trị. Triệu chứng của bệnh cúm là bò sổ mũi, miệng khô, run rẩy, nằm xuống đứng dậy khó. Anh Lê cho biệt thêm: “Khi bò có dấu hiệu trên bà con chích thuốc vài ngày là khỏi. Riêng bò bị lỡ mồm long móng hộ nuôi chịu khó thường xuyên xoa thuốc xanhmethylen, chà chanh, khế chua là hết”. Với cách chăm sóc đơn giản như trên, từ trước đến nay hàng trăm hộ nông dân nuôi bò vỗ béo ở huyện Hàm Thuận Bắc thu lợi nhuận cao. Đặc biệt, chưa có con bò vỗ béo nào bị chết do dịch bệnh.
Bài – ảnh: Đỗ Khắc Thể