Tin tức

Những chuyển biến trong công tác dân tộc của Hàm Thuận Bắc trong năm 2014

Năm 2014, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và có yếu tố bất lợi như: nguồn vốn đầu tư phát triển tiếp tục khó khăn, thời tiết diễn biến bất thường, bệnh hại trên cây trồng xảy ra hiều nơi, giá nhiều mặt hàng nông sản giảm...đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện. Nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, nhân dân nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện nói riêng đã đoàn kết một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, tích cực lao động sản xuất và hưởng ứng các phong trào do cơ sở phát động, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”... Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục ổn định, có mặt phát triển; khối đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vững, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. 

Toàn huyện, có 11 dân tộc anh em, với 16.313 nhân khẩu, chiếm 9% dân số, sinh sống trên địa bàn 3 xã vùng cao: Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ và 05 thôn xen ghép: Hàm Phú, Hàm Trí, Thuận Minh, Thuận Hòa và thị trấn Ma Lâm. Xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, xuyên suốt nên ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khá toàn diện đối với công tác dân tộc. Trên cơ sở Nghị quyết 23-NQ/HU của Huyện uỷ về đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2020, Ban Thường vụ Huyện uỷ cụ thể hoá thành các chủ trương, chỉ tiêu cụ thể để lãnh đạo. Quá trình đó, chỉ đạo các ngành, đoàn thể huyện liên quan tăng cường sự giúp đỡ đối với hệ thống chính trị cơ sở; đồng thời tăng cường kiểm tra để các xã vùng cao, các thôn xen ghép vươn lên hoàn thành nhiệm vụ; Ban Thường vụ Huyện uỷ thành lập Ban chỉ đạo vùng cao do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm Trưởng ban, các đồng chí Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện và một số đồng chí lãnh đạo một số ban ngành, đoàn thể huyện làm thành viên, mỗi tháng 01 lần kiểm tra toàn diện các mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, những khó khăn vướng mắc, những vụ việc phát sinh được chỉ đạo giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở.

Kết quả nổi rõ ở các mặt sau đây: mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng diện tích gieo trồng trong năm vượt chỉ tiêu đề ra 6.643/6.600 ha, trong đó cây bắp lai, lúa nước, cao su đã trở thành cây chủ lực của đồng bào vùng cao; trong năm, các ngành các cấp đã mở 04 lớp đào tạo nghề (chăm sóc cao su, lúa nước) cho 84 học viên là đồng bào dân tốc thiểu số, 04 lớp tập huấn cho cán bộ xã với 50 cán bộ tham gia; tổ chức tiêm phòng 2.000 liều vacxin tụ huyết trùng và 2.555 liều vacxin lở mồm long móng cho đàn bò, nhờ đó dịch bệnh trên đàn gia súc được khống chế. Các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đầy đủ, kịp thời, Chương trình 135- xây dựng cơ sở hạ tầng phân khai 2, 4 tỷ đồng, đào tạo cán bộ 70 triệu đồng, hỗ trợ sản xuất 888 triệu đồng; nguồn vốn theo Quyết định 33/QĐ-TTg đã giải ngân trên 15 tỷ đồng; ngoài ra các chính sách hỗ trợ cho học sinh các cấp theo Quyết định 93/2008 và Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 24/01/2013 của UBND tỉnh, Nghị định số 74/2013/NĐ-CP gần 2 tỷ đồng. Hoạt động y tế có nhiều tiến bộ, cấp được 7.651 thẻ BHYT cho đồng bào; vận động 2.262 suất quà (bình quân 300.000đ/suất), với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở các Công ty, doanh nghiệp tại thành phố Phan Thiết. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì, phát triển; tổ chức thành công ngày Hội văn hóa các Dân tộc thiểu số cấp huyện và Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần II/2014. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa cao hơn năm trước, có 3.614/3.728 hộ đăng ký, đạt 96,94%; qua bình xét có: 3.095 hộ/3.614 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 85,63%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, các xã vùng cao duy trì tốt chế độ trực sẵn sàng chiến đấu và thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng trong việc tuần tra, kiểm soát địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh về quản lý bảo vệ rừng, an ninh trật tự ngay tại địa bàn dân cư. Các chủ trương của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, dân tộc được triển khai đầy đủ, kịp thời, các lễ hội truyển thống của các dân tộc được tạo điều kiện tổ chức long trọng, chu đáo được đông đảo đồng bào phấn khởi.

Song, bên cạnh đó còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục đó là: thời tiết không thuận lợi, năng suất các loại cây trồng giảm, giá cao su giảm mạnh...ảnh hưởng đến thu nhập của đồng bào; tiến độ hồ sơ khai hoang, giao đất sản xuất tại xã Đông Giang và La Dạ còn chậm; việc phát huy hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chưa cao; một bộ phận đồng bào chưa tự lực vươn lên, còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ cơ sở tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế nhiều mặt, công tác tập hợp, vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từng nơi, từng lúc còn phức tạp, đáng lưu ý là tình trạng rượu say gây rối, mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau giữa các nhóm thanh niên trong vùng đồng bào Chăm, nạn bạo lực gia đình, tảo hôn tái diễn, các hành vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm luật giao thông đường bộ, trộm cắp tài sản của công dân...vẫn còn xảy ra nhiều nơi.

* Nguyên nhân hạn chế nêu trên chủ yếu do các cấp, các ngành chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đồng bộ, kịp thời đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Ý thức phấn đấu vươn lên trong một bộ phận đồng bào, kể cả cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa khắc phục triệt để tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Từ thực tiễn công tác dân tộc năm qua, rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, tập trung nâng chất lượng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có vai trò rất quan trọng trong việc vận động, hướng dẫn và tổ chức cho đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước tại cơ sở. Vì vậy, cấp uỷ cấp trên phải chú ý chỉ đạo thật tốt công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng và công tác dân vận đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ cơ sở hoàn thành nhiệm vụ. Hai là, Mặt trận, các đoàn thể cấp trên thường xuyên bám địa bàn, hướng dẫn, giúp đỡ tổ chức mình ở cơ sở trong việc tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và đồng bào dân tộc thiểu số nêu cao trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ thành quả mà Đảng và Nhà nước đã đầu tư trong nhiều năm qua. Đồng thời vận động đồng bào thay đổi căn bản về nhận thức, tập quán trong sản xuất và sinh hoạt gắn với phát huy tính chủ động, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, có ý thức phấn đấu vươn lên. Ba là, thường xuyên phát động các phong trào thi đua, gắn với biểu dương, khen thưởng kịp thời, nhất là các phong trào thi đua như: “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “thuỷ lợi nhỏ”, các phong trào thi đua của các đoàn thể... Bốn là, quá trình chỉ đạo cần chú ý huy động các nguồn vốn, thu hút các thành phần kinh tế, huy động sức dân để xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên các công trình thủy lợi, giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, các thiết chế văn hoá ở cơ sở... Phát huy tốt hiệu quả sử dụng các công trình đã được đầu tư trong thời gian qua. Có giải pháp khai thác tốt quỹ đất sản xuất hiện có, chú ý diện tích đất cấp theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy. Khuyến khích đồng bào tiếp tục chuyển đổi cây, con chủ lực, lợi thế; tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn áp dụng phổ biến tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Quan tâm đúng mức đến công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Năm là, đổi mới công tác dạy và học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú ý công tác đào tạo nghề theo hướng thật thiết thực, trực tiếp phục vụ cho phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, y tế, giáo dục, nhất là dân số-kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh môi trường; không ngừng nâng hiệu qủa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, xóa những tập tục lạc hậu đi đôi với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh các phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng. Tăng cường các hoạt động đưa văn hoá thông tin về cơ sở gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sáu là, tăng cường công tác nắm tình hình, giải quyết kịp thời và có kết quả các huống xảy ra, không để phức tạp thêm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc; duy trì và nâng chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tham gia phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn dân cư./.

 


Các tin khác