Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Công tác tuyên truyền chưa đa dạng và thường xuyên, nhận thức và thực hiện mô hình gia đình ít con ở một số cặp vợ chồng chưa cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Sức khỏe sinh sản, mức sinh và tình trạng sinh con thứ 3 trở lên tuy có giảm nhưng chậm; trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản KHHGĐ còn lạc hậu, chất lượng dịch vụ thấp.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số cấp ủy, chính quyền thiếu quan tâm, chưa tập trung đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này; tổ chức bộ máy có lúc có nơi chưa ổn định. Sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Kinh phí đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn nhiều khó khăn, nhất là chế độ hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên dân số còn quá thấp, chưa động viên được sự nhiệt tình và trách nhiệm đối với phong trào.
B. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2015:
I. Mục tiêu chung:
- Hướng đến giảm mạnh tỷ suất sinh, phấn đấu mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện mô hình gia đình có một hoặc hai con.
- Không ngừng nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của huyện nhà.
II. Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2015:
- Quy mô dân số dưới 177.000 người.
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,93%.
- Tỷ lệ sinh: 1,49%.
- Số con bình quân của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ: 1,9 con
- Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 77% trở lên
- Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 11%.
III. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện:
1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ ở các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, các hộ gia đình sống nơi hẻo lánh nhận thức đầy đủ và sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác DS-KHHGĐ và tự giác thực hiện quy mô gia đình ít con. Chú ý đẩy mạnh các hình thức truyền thông trực tiếp đến từng hộ, hoặc nhóm hộ gia đình, gắn với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ nhằm nâng cao chất lượng dân số. Quá trình tuyên truyền phải chú ý phát hiện biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình, nhất là các đối tượng thuộc diện khó khăn sống ở những nơi hẻo lánh, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo.
2. Các cấp chính quyền có kế hoạch và biện pháp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách về DS-KHHGĐ. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành cần gắn các chỉ tiêu về dân số lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu xây dựng một số chỉ tiêu về DS-KHHGĐ bổ sung vào hệ thống tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, theo hướng nâng dần chất lượng các danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” hàng năm.
Tiến hành rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác DS-KHHGĐ ở các cơ sở y tế, tạo điều kiện cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp KHHGĐ bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người dân; thực hiện việc tiêm chủng và phòng bệnh cho bà mẹ, phấn đấu tăng tỷ lệ phụ nữ được khám thai ít nhất 3 lần trong mỗi lần mang thai và được đở đẻ an toàn tại các cơ sở y tế. Tổ chức khám sức khỏe, tư vấn về chăm sóc sức khỏe, KHHGĐ cho các đối tượng trước khi kết hôn.
Quản lý chặt chẽ và khai thác tốt thiết bị lưu trữ, cập nhật dữ liệu dân cư. Trong đó quản lý chặt chẽ đối tượng trong độ tuổi sinh sản, đánh giá tốt tình hình dân số ở từng địa bàn và toàn huyện để tham mưu, giúp các cấp chính quyền có kế hoạch tốt hơn trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội huyện nhà.
3. Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện các chỉ tiêu DS-KHHGĐ. Công tác kiểm tra phải thực hiện thường xuyên, đồng bộ ở các ngành, các cấp, thông qua các Tổ công tác, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và của ngành chuyên môn để nắm tình hình, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Tổ chức sơ, tổng kết đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm và khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ.
4. Mặt trận, đoàn thể và các tổ chức xã hội từ huyện đến xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và nhân dân về chính sách DS-KHHGĐ. Chú trọng việc sơ kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình thôn, khu phố không sinh con thứ 3; nhân rộng và đổi mới phương pháp hoạt động các câu lạc bộ không sinh con thứ 3, khuyến khích các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chọn cho mình một trong những phương pháp tránh thai an toàn, tránh tình trạng sinh dày, sinh nhiều, thực hiện mô hình gia đình ít con, đảm bảo hạnh phúc gia đình, an toàn về sức khỏe; Hội phụ nữ phối hợp với Đoàn thanh niên làm tốt công tác tư vấn nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết cho phụ nữ về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản.
5. Phòng giáo dục và đào tạo huyện chỉ đạo Ban giám hiệu các trường thường xuyên sinh hoạt, phổ biến trong đội ngũ giáo viên, nhất là phổ biến những quy định của tỉnh về DS-KHHGĐ. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, trường học xây dựng và thực hiện nội dung chính sách DS-KHHGĐ với sự cam kết thực hiện của tập thể, từng cá nhân, xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, xem xét bình chọn các danh hiệu trong các phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ.
6. Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực công tác của các tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ huyện đến cơ sở, Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng trình độ chuyên môn, đảm bảo bộ máy hoạt động tốt với đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ vững vàng; kể cả đội ngũ y, bác sỹ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ. Các cơ quan chuyên trách DS-KHHGĐ huyện và các Ban dân số xã, thị trấn xây dựng qui chế làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể để nâng cao trách nhiệm.
Bố trí đủ cán bộ chuyên trách ở các xã, thị trấn; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên ở các thôn, khu phố, nhất là ở các xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu xây dựng và thực hiện các chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, nhất là có chính sách khuyến khích thỏa đáng đối với đội ngũ cộng tác viên ở các thôn, khu phố ngoài các quy định chung của cấp trên.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
- Các cấp ủy cơ sở tiếp tục tổ chức quán triệt sâu kỷ Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 26 của Tỉnh ủy và Chương trình hành động này trong cán bộ, đảng viên và chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch đến năm 2015 để triển khai thực hiện.
- UBND huyện căn cứ Chương trình hành động này xây dựng kế hoạch với những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về công tác DS-KHHGĐ đến năm 2015 để chỉ đạo thực hiện; đồng thời chỉ đạo các ngành có liên quan, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện.
- Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện giúp Ban Thường vụ Huyện ủy theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo kết quả để Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo.