Tin tức

Hàm Thuận Bắc tăng cường công tác lãnh đạo về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2011- 2015

 Qua 5 năm tổ chức thực hiện Chương trình hành động số 07, ngày 22/02/2006 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hoá đất nước”, các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện đã có những chuyển biến về nhận thức và hành động bảo vệ môi trường, đã triển khai các chương trình hành động cụ thể như mở các đợt phát động toàn dân làm vệ sinh môi trường; ra quân thu gom và xử lý rác thải, nước thải, vận động gia đình xây dựng hố xí hợp vệ sinh, thực hiện chăn nuôi có chuồng trại...đi đôi với việc thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Môi trường cảnh quan ở các cơ quan, đơn vị trường học, chợ và các khu dân cư được cải thiện đáng kể, phong trào xanh - sạch - đẹp được nhân dân đồng tình hưởng ứng, từng bước đi vào chiều sâu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng chú ý hơn và thực hiện nghiêm túc các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường…  

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục. Nổi lên là tình trạng rác thải, nước thải bừa bãi, chưa qua xử lý vẫn còn xảy ra, trong khi đó nhiều nơi chưa qui hoạch bãi rác, khu nghĩa trang gây bức xúc trong nhân dân. Một bộ phận nông dân còn lạm dụng các hoá chất trong sản xuất gây nhiễm độc môi trường. Một số cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ chăn nuôi chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường. Tình trạng khai thác tài nguyên trái phép diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là nạn phá rừng đầu nguồn, sử dụng xung điện đánh bắt hải sản làm cho môi trường có nguy cơ bị suy thoái...

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ chính trị, Kế hoạch số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2010- 2015, Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước, giai đoạn 2011- 2015 như sau:

I- MỤC TIÊU TỔNG QUÁT:

- Ngăn ngừa, hạn chế gia tăng tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường, nhất là trên các lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và rác thải, nước thải; hạn chế tối đa những hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn huyện.

- Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, giáo dục mọi người ý thức sống hòa mình, gắn bó với thiên nhiên; xem các hành động bảo vệ môi trường là việc làm thường xuyên trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ huyện đến cơ sở. Quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên được xác định, trước hết là rừng, nước, khoáng sản, đất đai…; bảo vệ tốt và từng bước phục hồi, phát triển các hệ sinh thái trên địa bàn; phát triển hệ thống cây xanh nơi công sở, trường học, khu dân cư, các tuyến giao thông…

II- MỤC TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2015:

- 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phải có công trình xử lý và kiểm soát được ô nhiễm môi trường. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân phải có phương án xử lý hoặc phải di dời khỏi khu dân cư. Các vùng khai thác khoáng sản phải được qui hoạch và đưa vào quản lý chặt chẽ.

- 100% khu dân cư, các cơ sở y tế, chợ, công trình công cộng phải có hệ thống thoát nước, xử lý rác thải, nhất là rác thải y tế phải được xử lý đúng qui định, đảm bảo về môi trường.

- 100% các tuyến giao thông, các khu trung tâm xã, thị trấn, công sở, trường học đều có cây xanh, cây cảnh, tạo bóng mát, cảnh quan, môi trường sinh thái.

- Phấn đấu đạt 95% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 90% số hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.

III- MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ:

1- Đối với công tác tuyên truyền, giáo dục:

- Đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về môi trường, gắn với tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường mang tính chất xã hội hoá cao, thiết thực, hiệu quả, nhất là nhân dịp diễn ra các sự kiện kỷ niệm hàng năm liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Qua đó phát huy truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống thân thiện, gắn bó với thiên nhiên, hình thành ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, nhất là trong thanh niên, thiếu niên học sinh.

- Các trường học tăng cường các giờ ngoại khoá sinh hoạt về môi trường đi đôi với tổ chức cho học sinh tham gia làm vệ sinh, khai thông cống rãnh và trồng cây xanh trong khuôn viên trường học, các tuyến giao thông, các khu di tích đã đăng ký chăm sóc, bảo vệ, nhằm tạo cảnh quan môi trường và giáo dục học sinh nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.

- Tổ chức các lớp tập huấn về Luật bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức huyện và các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn đi đôi với xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường nhằm giáo dục, phòng ngừa chung.

2- Xây dựng một số tiêu chí, mô hình bảo vệ môi trường:

- Nghiên cứu triển khai phát động phong trào xây dựng và thực hiện mô hình thôn, khu phố “có nếp sống văn hoá và bảo vệ môi trường”; bổ sung một số nội dung đưa phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị “Xanh- sạch- đẹp” đi vào chiều sâu, có nề nếp.

- Rà soát lại các quy ước, hương ước, các mô hình tự quản để bổ sung, cam kết thực hiện một số nội dung về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.

- Xây dựng một số tiêu chí, chuẩn mực về môi trường của từng xí nghiệp, cơ quan, thôn, khu phố, gia đình và từng cá nhân cán bộ, đảng viên, đoàn viên và hội viên để đánh giá và xếp loại đúng thực chất về mức độ bảo vệ môi trường hàng năm.

3- Xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường:

- Đẩy mạnh phong trào cây xanh nhân dân, trồng cây phân tán ở tất cả các công sở, trường, trạm, nhà văn hoá, bia, đài tưởng niệm, công viên, các tuyến giao thông, khu dân cư…; thường xuyên phát động các chiến dịch “Tết trồng cây”, phong trào “Tuần lễ trồng cây nhân dân”, “Thanh niên trồng cây xanh tình nguyện” gắn với thu gom, xử lý rác thải, nước thải nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp…chú ý giáo dục các hộ dân không đổ rác thải dọc tuyến Quốc lộ, đi đôi với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư thực hiện các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường, gắn với thực hiện các chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn, thuế, trợ giá đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

- Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Riêng ngân sách nhà nước cần có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường theo mức chi hợp lý, thực tế nhưng phải bảo đảm mức chi hàng năm theo qui định của cấp trên.

- Phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường để khen thưởng, phổ biến, nhân rộng; xem đây là tiêu chí quan trọng trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” để xét khen thưởng hàng năm.

4- Tăng cường Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường:

- Củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác bảo vệ môi trường huyện và cơ sở, đảm bảo ổn định phục vụ cho công tác quản lý địa bàn về lĩnh vực môi trường. Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp.

- Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, gắn với áp dụng các chế tài xử lý thật nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra quản lý bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, đi đôi với triển khai công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chế biến, các phương tiện giao thông và các công trình xây dựng gây tiếng ồn, thải bụi, khói, khí độc gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không thực hiện đầy đủ và hiệu quả các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở mình gây ra; loại bỏ các phương tiện, thiết bị đã quá hạn sử dụng, gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu và xử lý việc sử dụng máy xung điện đánh bắt thủy sản hủy hoại môi trường.

- Có kế hoạch hướng dẫn thường xuyên các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ nhân dân thực hiện tốt các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần ngăn chặn những vi phạm, xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

5- Công tác qui hoạch và xây dựng các công trình bảo đảm vệ sinh môi trường:

- Khẩn trương xây dựng và triển khai qui hoạch mở rộng hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn, giải quyết cơ bản nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng khó khăn về nước; khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm.

- Tiếp tục quy hoạch xây dựng các bãi rác, nghĩa trang và hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện. Trước mắt, đầu tư ở Hàm Liêm, Hàm Phú, Thuận Minh mỗi xã một bãi xử lý rác thải theo chuẩn vệ sinh môi trường.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng 3 công trình vệ sinh: hố rác - cầu tiêu - chuồng trại chăn nuôi, từng bước hình thành nếp sống văn minh, ý thức bảo vệ môi trường ngay trong từng hộ gia đình.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1- Các cấp uỷ cơ sở tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 07, ngày 22/2/2006 về “bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước” của Ban Thường vụ Huyện uỷ để đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém, khó khăn, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra kế hoạch tiếp tục lãnh đạo công tác bảo vệ môi trường để tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời quán triệt sâu kỹ Nghị quyết 41 của Bộ chính trị, kế hoạch số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Chương trình hành động này.

2- Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp để triển khai thực hiện.

3- Ban Tuyên giáo Huyện uỷ phối hợp phòng Tài nguyên và Môi trường huyện theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo kết quả để Thường vụ Huyện uỷ theo dõi, chỉ đạo./.


Các tin khác