Tin tức

Hàm Thuận Bắc quan tâm chăm lo nhu cầu văn hoá đọc

  • T.H
  • /
  • 7.10.2014 - 17:5

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX và Kế hoạch 30-KH/TU khoá XI của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, hoạt động xuất bản trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc có nhiều chuyển biến tiến bộ, chất lượng nân lên trên một số mặt. 

Chủ yếu tập trung duy trì và nâng chất lượng 2 xuất bản phẩm chính của địa phương, đó là Bản tin nội bộ địa phương Hàm Thuận Bắc và biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương của huyện, xã, thị trấn qua các thời kỳ và lịch sử truyền thống các đơn vị lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến của ngành quân sự và công an huyện để giáo dục các thế hệ (cả 2 loại XBP này do ngân sách nhà nước bảo đảm, cấp không thu tiền); chăm lo đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc và thực hiện công tác quản lý nhà nước về xuất bản trên địa bàn, trong đó chủ yếu là chăm lo đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc.

Về chăm lo đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc, huyện có 1 thư viện; 17 xã, thị trấn và hầu hết các trường học phổ thông có thư viện hoặc tủ sách; các đoàn thể, cơ quan chuyên môn huyện có tủ sách chuyên ngành.

Tại thư viện huyện có 8.000 đầu sách, 10 đầu báo chí các loại, bình quân hàng tháng có 500 người đến đọc và mượn sách. Năm 2014, tại Thư viện huyện lắp đặt hệ thống vi tính để giúp người đọc tra cứu, tìm kiếm các dữ liệu thông tin đầy đủ và nhanh chóng hơn. Hàng năm ngân sách có đầu tư để mua bổ sung sách cho thư viện.

Từ năm 2011 đến nay, huyện đã tiếp nhận 1.548 sách các loại từ Đề án trang bị sách do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì và triển khai. Nhìn chung, nội dung thông tin sách từ chương trình Đề án phong phú, thiết thực, phù hợp với nhu cầu đọc ở cơ sở.

Tại các cơ quan huyện và các xã, thị trấn được cấp tổng cộng 8.160 cuốn Công báo của UBND tỉnh để phục vụ cho công tác chuyên môn trong lĩnh vực quản lý hành chính của địa phương. Các loại sách văn kiện các kỳ đại hội Đảng và các lần hội nghị Trung ương, huyện đã chỉ đạo các cấp uỷ cơ sở mua trang bị đủ số lượng theo yêu cầu đến tận đảng viên và đối tượng cần thiết. Tại Ban Tuyên giáo Huyện uỷ có tủ sách bao gồm các loại văn kiện của Đảng, sách lý luận chính trị để phục vụ cho việc nghiên cứu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ và Ban Thường vụ. Hầu hết các cấp uỷ cơ sở, các cơ quan, đơn vị và các đồng chí cấp uỷ viên các cấp và một số cán bộ, công chức có tủ sách cá nhân thường xuyên mua và đọc báo Đảng, các loại tạp chí, xuất bản phẩm liên quan đến lĩnh vực chuyên môn.

Bản tin Hàm Thuận Bắc là ấn phẩm xuất bản hàng tháng, lưu hành nội bộ cấp phát đến tất cả các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị đoàn thể từ huyện đến địa bàn dân cư và các đồng chí chủ chốt các cơ quan, đơn vị ở địa phương. Nội dung chủ yếu đăng tải chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông tin tình hình sản xuất và đời sống của Nhân dân ở địa phương, hoạt động của các ngành, các cấp; các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn... (10 năm (2004-6/2014), đã phát hành 66.250 cuốn, 2.270.540 trang in.

Việc xuất bản và phát hành các tập sách lịch sử đảng bộ địa phương huyện, xã, thị trấn các thời ký, lịch sử truyền thống kháng chiến của các đơn vị lực lượng vũ trang của 2 ngành quân sự và công an huyện được quan tâm. Đã in và cấp phát 18 đầu sách với 2.850.600 trang in, để phục vụ cho việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, nhất là trong các trường học phổ thông trên địa bàn.

Ngoài ra, trong hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương, các ngành, đoàn thể đã sản xuất 3 bộ phim tài liệu, 533 băng đĩa hình, băng, đĩa ghi âm; viết, dàn dựng 3.957 chuyên mục, 9.984 phóng sự, sáng tác 1.500m2 tranh cổ động và hàng trăm nghìn tài liệu, tờ rơi, tờ bướm, tờ gấp để phổ biến trên các hệ thống thông tin, nhiều nhất là trên hệ thống đài truyền thanh, truyền hình các cấp nhằm mục đích hướng dẫn, vận động đẩy mạnh sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống trong các tầng lớp Nhân dân.

Trong công tác quản lý nhà nước về xuất bản, đi đôi với kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động liên quan lĩnh vực xuất bản, các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh dịch vụ đăng ký thực hiện theo các quy định của pháp luật. Trên địa bàn huyện có 36 hộ hoạt động kinh doanh dịch vụ liên quan đến lĩnh vực xuất bản, 23 điểm dịch vụ internet, 10 quầy dịch vụ cung ứng báo chí tư nhân phục vụ nhu cầu, sinh hoạt của Nhân dân.

Nhìn tổng thể qua 10 năm thực hiện việc nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản theo tinh thần Chỉ thị 42 của Ban Bí thư và 6 năm thực hiện Kế hoạch số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ở huyện Hàm Thuận Bắc đạt một số kết quả. Công tác xuất bản đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, nhất là việc tổ chức biên soạn và xuất bản các đầu sách lịch sử đảng bộ địa phương, truyền thống ngành để giáo dục thế hệ trẻ; duy trì việc in ấn, bản tin địa phương, tài liệu tuyên truyền. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành sách, báo chí, in ấn được chú trọng.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo học tập, quán triệt chủ trương liên quan đến lĩnh vực xuất bản trong cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành có nơi chưa đầy đủ, sâu kỹ, nhất là việc học tập, phổ biến Luật xuất bản chưa được chính quyền các cấp quan tâm; nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất bản trong các cấp, các ngành còn hạn chế trên một số mặt. Các xuất bản phẩm địa phương chưa đa dạng; việc chuyển tải thông tin, sách báo chưa kịp thời. Nhiều nơi chưa tổ chức tốt các hoạt động để giới thiệu, tuyên truyền nội dung xuất bản phẩm, nhất là lịch sử đảng bộ địa phương và lịch sử truyền thống của ngành. Công tác quản lý nhà nước, nhất là kiểm tra các hoạt động liên quan đến xuất bản chưa thường xuyên, có mặt thiếu chặt chẽ.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) và Kế hoạch số 30-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản trong cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân, đi đôi với việc tổ chức nghiên cứu quán triệt nâng cao nhận thức, Ban Thường vụ Huyện uỷ tập trung chỉ đạo triển khai tốt việc quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn xuất bản phẩm hiện có, đồng thời tổ chức tốt các hoạt động xuất bản; thường xuyên chỉ đạo việc chuyển tải, thông tin, phổ biến kịp thời các ấn phẩm sách được trang bị để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết nhằm liên hệ, tìm đọc và nghiên cứu khi có nhu cầu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước về hoạt động xuất bản phẩm nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng các quan điểm sai trái, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Chú trọng phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trong chỉ đạo thực hiện./.


Các tin khác