Về tổ chức Đảng, toàn huyện có 17 đảng bộ xã, thị trấn và 205 chi bộ trực thuộc; trong đó 86/86 chi bộ thôn, khu phố; 17/17 chi bộ Quân sự; 4/4 chi bộ Công an ( có công an chính quy); 16/17 chi bộ cơ quan xã, thị trấn; 4/16 chi bộ y tế; 72/87 chi bộ Trường học; 6/6 chi bộ quỹ tín dụng. Các cấp ủy xã, thị trấn và chi bộ trực thuộc đều rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ lãnh đạo của Đảng với chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể; từng bước đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, nâng dần chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, bám sát cơ sở và nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương.
Về chính quyền, qua bầu cử HĐND xã, thị trấn, nhiệm kỳ 2011 – 2016, các xã, thị trấn đã bầu 496 đại biểu ( tăng 131 so nhiệm kỳ 1999 – 2004); trong đó 119 nữ, chiếm 24% (tăng 10%); 79 dân tộc thiểu số, chiếm 16% (giảm 1,26%).Thành viên UBND xã, thị trấn nhiệm kỳ 2011- 2016 theo quy định gồm 77 người, đã phê chuẩn 66 người ( giảm 38 so nhiệm kỳ 1999 – 2004); trong đó 8 nữ, chiếm 12,12% (tăng 9,24%); 7 dân tộc thiểu số, chiếm 10,61% (giảm 5,74%) và 100% là đảng viên (tăng 1,92%). Nhìn chung HĐND xã, thị trấn có cải tiến về nội dung và phương thức hoạt động,nâng cao hơn về chất lượng các kỳ họp, đề ra các Nghị quyết cơ bản sát hợp với thực tế của địa phương; phát huy khá tốt chức năng giám sát chính quyền và đôn đốc giải quyết các kiến nghị của cử tri. UBND xã, thị trấn rà soát, bổ sung, xây dựng quy chế hoạt động và quy chế phối hợp; duy trì chế độ giao ban, hội ý; phân công nhiệm vụ cụ thể từng cán bộ công chức và cán bộ không chuyên trách. Tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, các kiến nghị của cử tri. Từng bước thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” đạt một số kết quả tích cực.
Về tổ chức Mặt trận, các đoàn thể, đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế hoạt động sau các lần đại hội. Phần lớn thực hiện khá tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo điều lệ quy định. Đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, vận động, hướng vào các phong trào thi đua yêu nước; có chú ý nắm bắt tâm tư nguyện vọng và giải quyết lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân, gắn mở rộng các hình thức tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng cốt cán chính trị; có cố gắng giám sát hoạt động của chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư.
Về đội ngũ cán bộ, công chức, hiện Nghị định 92 của Chính phủ, đã bố trí đủ biên chế (167 cán bộ chuyên trách và không chuyên trách). Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được trẻ hóa, tiếp tục được đào tạo và đào tạo lại để đạt chuẩn theo quy định, nâng cao hơn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác.
Tuy nhiên, kết quả đổi mới và nâng chất lượng hệ thống chính trị ở xã, thị trấn vẫn còn nhiều mặt hạn chế: Chất lượng hoạt động của một số tổ chức Đảng, nhất là các xã vùng cao còn thấp, đáng lưu ý là số cơ sở Đảng xã, thị trấn và chi bộ thôn, khu phố đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh giảm dần. Hoạt động quản lý điều hành của chính quyền vẫn còn buông lỏng và kém hiệu quả trên một số lĩnh vực, nhất là đất đai, tài nguyên rừng, khoáng sản; thực hiện cải cách thủ tục hành chính; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nhiều nơi chưa đạt yêu cầu. Mặt trận các đoàn thể vẫn còn lúng túng trong phương thức hoạt động, nhất là việc tập hợp quần chúng, phát động phong trào còn khó khăn, nhiều nơi chưa thực hiện tốt vai trò giám sát chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức còn bất cập; bố trí cán bộ một số xã, thị trấn vẫn còn khó khăn,chưa bảo đảm đạt chuẩn; một bộ phận cán bộ công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm,ý thức phục vụ nhân dân, thiếu tu dưởng đạo đức, lối sống.
Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, thị trấn có thể rút ra một số kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như sau:
Thứ nhất, để đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn, thì trước hết phải đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời chăm lo xây dựng chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; đặc biệt, phát huy thật tốt vai trò người đứng đầu và các cấp ủy viên, đề cao trách nhiệm quản lý, điều hành của chính quyền.
Thứ hai, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân, sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Giữ vững đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy đảng, trước hết là giữa đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các đồng chí trong Ban Thường vụ cấp ủy. Coi đây là hạt nhân, là sức mạnh bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt đông của hệ thống chính trị.
Thứ ba, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên ở xã, phường, thị trấn. Lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ tham gia vào các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ đảm nhận các chức danh chủ chốt.
Minh Thư