Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Tình trạng một bộ phận trẻ em hư hỏng, sa vào các tệ nạn xã hội đang trở thành nổi lo của gia đình và xã hội. Tỷ lệ học sinh ở khối THCS bỏ học trung bình hàng năm còn ở mức cao ( 5,7%). Điều kiện sống và phát triển của trẻ em ở các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Huy động các nguồn lực xã hội cho việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa nhiều. Cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em nhiều nơi còn thiếu.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đầy đủ và sâu sắc nên thiếu tập trung chỉ đạo công tác này; khả năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện còn lúng túng, nhất là giải quyết các vấn đề bức xúc về trẻ em. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các đoàn thể và xã hội thiếu chặt chẽ, chưa theo kịp yêu cầu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.
Để thực hiện có kết quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các cấp uỷ Đảng, các ban ngành, Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng từ huyện đến cơ sở thực hiện nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức và mọi người dân trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Mặt trận, các đoàn thể phải có chương trình phối hợp đồng bộ, hiệu quả để giải quyết tốt các vấn đề về trẻ em; tạo sự chuyển biến mạnh về xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị-xã hội; khuyến khích sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động và công trình dành cho trẻ em.
2- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hàng năm và 5 năm về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Trong đó xác định rõ các mục tiêu và lộ trình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em để triển khai thực hiện.
3- Hàng năm, UBND huyện, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ huyện, phòng Văn hóa thông tin, phòng lao động – thương binh và xã hội huyện phối hợp chỉ đạo, tổ chức các hoạt động vì trẻ em một cách thiết thực vào các dịp: Tháng hành động vì trẻ em (từ ngày 01- 30/6), Ngày quốc tế thiếu nhi (1/6), tết Trung thu, Ngày gia đình Việt Nam và Diễn đàn trẻ em các cấp. Tổ chức thực hiện tốt Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các Công ước, điều ước quốc tế khác có liên quan mà Nhà nước Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
4- UBND huyện chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ huyện đến cơ sở, tạo điều kiện về kinh phí hoạt động và thực hiện các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới ở thôn, khu phố; ưu tiên kinh phí đầu tư các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của trẻ em; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em và thực hiện các quyền của trẻ em.
5- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện xây dựng và tổ chức thực hiện phong trào“Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ”. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp chỉ đạo và thực hiện tốt các hoạt động thanh thiếu niên và nhi đồng. Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở bằng những hình thức phù hợp tăng cường phối hợp với nhà trường, gia đình và xã hội trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; Tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em của chính quyền và các ngành, các cấp.
6- Các cơ quan tuyên truyền, Mặt trận, các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên các phương tiện truyền thanh và trong đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân. Chú ý phát hiện biểu dương điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”; đồng thời phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, hành hạ, ngược đãi, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em.
7- Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận, đoàn thể huyện tổ chức quán triệt sâu rộng Chỉ thị này trong đảng viên, cán bộ công chức và nhân dân; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Huyện ủy thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Huyện uỷ để chỉ đạo. Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ./.