Tin tức

Nhận diện rõ tiềm năng, lợi thế để có giải pháp khai thác, phát huy nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển

Năm 2017, huyện Hàm Thuận Bắc thực hiện nhiệm vụ đề ra đạt kết quả khá toàn diện; tình hình các mặt giữ được ổn định, nhiều mặt chuyển biến tiến bộ. Đây là thành quả của sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà trong khắc phục khó khăn đi đôi với tiếp tục khơi dậy thế mạnh của địa phương cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Hồ Sông Quao.

Song, kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có trên địa bàn huyện; mặt khác, việc khai thác, phát huy trong thời gian vừa qua cũng đã phát sinh một số hệ lụy trên một số lĩnh vực, mà bức xúc nhất là tài nguyên, khoáng sản vẫn còn sử dụng lãng phí, môi trường sinh thái bị xâm hại..., trong đó có lúc, có nơi tình trạng này khá nghiêm trọng.

Để hạn chế mặt tiêu cực, khơi dậy mặt tích cực, trước hết cần nhận diện rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tuy là huyện miền núi, điểm xuất phát thấp và chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nên Hàm Thuận Bắc còn nhiều khó khăn, trở ngại trong xây dựng và phát triển, nhưng nơi đây còn một số tiềm năng, lợi thế cần được khai thác, phát huy, trong đó nổi trội có thể đó là:

Thứ nhất, tiềm năng đất đai và lợi thế về thủy lợi. Với diện tích tự nhiên khoảng 136 ngàn ha (xếp thứ 2 toàn tỉnh, sau huyện Bắc Bình) hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, tưới chủ động hơn 80% diện tích canh tác, nên rất thuận lợi trong phát triển nông-lâm nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi quy mô bán công nghiệp, công nghiệp...

Thứ hai, tài nguyên, khoáng sản đa dạng và trữ lượng khá; địa hình đồi núi với một số thác ghềnh và có nhiều hồ chứa nhân tạo (Hàm Thuận, Đa Mi, Đaguiry, Saluon, Sông Quao, Sông Khán, Suối Đá, Cẩm Hang...), cùng với diện tích rừng tự nhiên còn lớn, trong đó có rừng đặc dụng chỉ có ở Hàm Thuận Bắc (rừng đầu Hồng Liêm), đã tạo nên cảnh quang thiên nhiên đặc trưng và tương đối phong phú. Đây là tiềm năng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong đầu tư phát triển thủy điện nhỏ, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng thông thường, chế biến sâu cát thủy tinh, khai thác du lịch sinh thái “rừng, thác, hồ”...

Ngoài ra, yếu tố bất lợi của thời tiết, nắng nhiều, mưa ít, sẽ tạo tiềm năng trong phát triển điện năng lượng mặt trời.

Thứ ba, Hàm Thuận Bắc là cửa ngõ nối liền thành phố Phan Thiết với khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng; đồng thời là địa bàn nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh, có các tuyến Quốc lộ IA, 28, 55 và đường sắt Bắc-Nam đi qua. Nhờ vậy, đã tạo nên vị trí thuận lợi trong giao lưu, trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa Bình Thuận với các địa phương khác, nhất là khu vực Tây Nguyên. Đây là lợi thế quan trọng trong thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của huyện.

Thứ tư, tiềm năng và lợi thế về lao động. Với dân số trên 170 ngàn người (xếp thứ 2 toàn tỉnh, sau thành phố Phan Thiết), trong đó hơn 50% còn trong độ tuổi lao động, cùng với truyền thống anh dũng trong đấu tranh cách mạng và cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sẽ là nguồn nhân lực to lớn.

Với điều kiện đó, đã tạo cho huyện Hàm Thuận Bắc những thuận lợi cơ bản để phát triển trong thời gian tới. Song, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để tiếp tục đánh thức tiềm năng, tận dụng tối đa lợi thế so sánh đó? Rõ ràng, đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhưng rất khó khăn, phải triển khai thực hiện quyết liệt bằng các giải pháp đồng bộ, trong đó trọng tâm phải chăng là:

Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của địa phương để mời gọi đầu tư. Trong quá trình đó, cần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tránh việc phải đánh đổi, làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Khắc phục ngay tư tưởng chỉ coi trọng đến số lượng, mà thiếu quan tâm đến chất lượng, hiệu quả trong thu hút đầu tư, kiên quyết “nói không” đối với số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái hoặc có biểu hiện đầu cơ đất đai...Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tạo thuận lợi để các chủ đầu tư triển khai dự án và thực hiện đúng cam ký khi đăng ký đầu tư; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước mắt, tập trung giải quyết, xử lý có kết quả “vấn nạn” phát sinh vừa qua, nhất là tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, sử dụng đất sai mục đích, gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh..., ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư cả trước mắt và lâu dài, làm cho nội bộ và nhân dân rất bức xúc.

Cùng với đó, cần quan tâm đúng mức việc xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khơi dậy phong trào khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm và địa phương có lợi thế và tiềm năng, ưu tiên ngành nghề chế biến nông-lâm sản, sử dụng nhiều lao động, khai thác tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, du lịch, phát triển thủy điện nhỏ, điện năng lượng mặt trời, cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân...Phát động mạnh mẽ phong trào làm thủy lợi nhỏ, đẩy mạnh thực hiện Đề án khai thông dòng chảy để tiêu thoát lũ hệ thống kênh, mương và sông, suối tự nhiên giai đoạn 2018-2020 nhằm phát huy tốt hơn nữa lợi thế về thủy lợi, góp phần quan trọng để thực hiện có kết quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả; tập trung phát triển cây trồng chủ lực, lợi thế, chăn nuôi bán công nghiệp, công nghiệp, nhưng phải bảo đảm vệ sinh môi trường; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong nông nghiệp. Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; tranh thủ kịp thời vốn hỗ trợ của trên; hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách, tích cực khai thác nguồn thu từ quỹ đất và huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế và trong dân để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Vấn đề có tính quyết định là phải nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế để vận dụng, cụ thể hoá sát hợp với tình hình, điều kiện thực tế ở huyện. Nêu cao bài học lòng dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong quá trình thực hiện, nhất là việc khó, việc mới và vấn đề phức tạp trong thực hiện nhiệm vụ này. Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhìn về phía trước vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại, nhưng với ý chí và sự quyết tâm của các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện, thời gian tới chắc chắn sẽ có sự chuyển biến tiến bộ trong khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của địa phương, nhằm thúc đẩy huyện Hàm Thuận Bắc không ngừng phát triển để xứng đáng với truyền thống anh hùng của quê hương và đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin của người dân huyện nhà./.


Các tin khác