Tin tức

Hàm Thuận Bắc phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả

  • /
  • 11.9.2013 - 13:36

Giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ khóa X, trong điều kiện còn không ít khó khăn, thời tiết không thuận lợi; kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu; các nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Song với sự nổ lực của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân nên tình hình các mặt kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển ổn định. Trong đó, sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt được những thành quả quan trọng.

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực; diện tích một số cây trồng có lợi thế tăng lên, đặc biệt là diện tích cây thanh long tăng khá nhanh từ 4.777 ha năm 2.010  lên 6.769 ha năm 2013; cây cao su ở Đông Giang, La Dạ cũng tăng khá từ 902 ha lên 1.490 ha. Đồng thời giữ ồn định 10.500 ha lúa theo quy hoạch bảo đảm an ninh lương thực, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật đã cho tăng dần năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng; riêng cây lúa năm 2013 so với năm 2010, năng suất  56,3 tạ/ha tăng 5,3 tạ/ha; sản lượng 165.000 tấn, tăng 45.000 tấn. Hệ số sử dụng đất tăng, quỹ đất sản xuất nông nghiệp được khai thác và phát huy hiệu quả tốt hơn. Giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác đạt 68 triệu đồng, tăng 44% so với năm 2010.

 

Mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng tăng. Ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay của Chính phủ, Huyện có chính sách hỗ trợ vốn cho hộ nông dân mua máy gặt xếp dãy và máy gặt đập liên hợp, đến nay toàn huyện đạt 100% trong khâu làm đất và khâu vận chuyển và trên 60% khâu thu hoạch.

Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như mô hình nhân giống lúa xác nhận,sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”, trình diễn giống lúa chất lượng, sản xuất lúa GAP, quản lý dịch hại tổng hợp bằng công nghệ sinh thái, chăm sóc, cạo mũ cao su, trồng bắp lai, cải tạo vườn điều, nuôi gà thả vườn..từng bước nâng dần năng suất, chất lượng cây trồng, con nuôi, giúp cho nông dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Trong chăn nuôi, đã có sự phát triển về chất, bước đầu hình thành các mô hình chăn nuôi tập trung thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình; các chương trình dự án như sind hóa đàn bò, nạt hóa đàn heo, nuôi vỗ béo bò thịt, nuôi gà an toàn sinh học..tiếp tục được mở rộng; nhờ vậy, nâng dần cơ cấu giá trị chăn nuôi, góp phần thúc đẩy nông  nghiệp phát triển toàn diện.

Số doanh nghiệp, doanh nhân và các dự án đầu tư trên địa bàn huyện tăng khá, tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực nông lâm nghiệp; nhiều hình thức hợp tác mới ra đời như hợp tác sản xuất thanh long an toàn, sản xuất lúa giống, trồng rau sạch.. đã có tác dụng hỗ trợ kinh tế hộ phát triển.

Kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội nông thôn được đầu tư tăng thêm,nhất là qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã huy động sức dân nhiều hơn cho xây dựng các công trình giao thông, kênh nương nội đồng, thiết chế văn hóa, làm cho bộ mặt nông thôn càng thêm khởi sắc.

Cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực; các chính sách an sinh xã hội,đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được quan tâm thực hiện tốt hơn. Đời sống nông dân cơ bản ổn định, thu nhập có nâng lên, một bộ phận nông dân làm giàu, nhất là người trồng thanh long và nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Đông Giang, La Dạ có thu nhập khá cao từ khai thác mũ cao su.

Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn và nâng dần hiệu quả hoạt động; đặc biệt qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) đã tạo sự chuyển biến bước đầu về ý thức trách nhiệm và phát huy tốt hơn vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên.

Những kết quả trên là hết sức quan trọng, làm cho nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện và hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, yếu kém; đáng lưu ý là kinh tế nông nghiệp phát triển chậm và tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu vững chắc. Chuyển đổi cây trồng theo cơ chế thị trường, giá cả tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, đặc biệt là diện tích cây thanh long phát triển nhanh, không theo quy hoạch. Sản xuất nông nghiệp chưa gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Quản lý Nhà nước về tài nguyên đất đai, rừng, khoáng sản có nơi, có lúc còn lỏng lẻo để dẫn đến nhiều vụ việc sai phạm. Quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn cũng chưa chặt chẽ trong khi nhiều dự án được giao đất nhưng không sử dụng hoặc chưa sử dụng hết, gây lãng phí. Kết cấu hạ  tầng kinh tế -xã hội nông thôn phát triển chưa đồng bộ,nhất là hệ thống kênh nương nội đồng chưa hoàn chỉnh ,các thiết chế văn hóa còn thiếu nhiều. Phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” chuyển động chưa mạnh, có nơi thiếu quyết tâm thực hiện. Đời sống của một bộ phận nông dân còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao còn thiếu đất sản xuất; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn khó khăn, hiệu quả thấp. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt, nhất là tình trạng học sinh bỏ học, ô nhiễm môi trường, các tệ nạn số đề, trộm cắp, băng nhóm đánh nhau gây thương tích, làm cho an ninh nông thôn diễn biến phức tạp. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở một số nơi nâng lên chậm, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới còn nhiều khó khăn.

Trong nữa nhiệm kỳ còn lại, các cấp ủy từ huyện đến cơ sở phải quán triệt sâu sắc và vận dụng, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân ,nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ sát hợp với thực tế của huyện; trên cơ sở đó bám sát thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa X đã đề ra.. Phải đảm bảo giữ ổn định diện tích trồng lúa theo quy hoạch. Tiếp tục thực hiện các giải pháp về kỹ thuật, nhất là khâu giống, cơ giới hóa trong thu hoạch, nhân rộng các mô hình sản xuát đạt hiệu quả. Tạo sự liên kết đồng bộ, chặt chẽ hơn giữa Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng trong việc đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; chú ý đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nông dân, đẩy mạnh giảm nghèo một cách căn bản và vững bền. Giải quyết kịp thời những vấn đề xã hội bức xúc, nhất là vệ sinh môi trường, an ninh trật tự nông thôn .Đặc biệt quan tâm, củng cố, nâng chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm bảo phẩm chất,năng lực ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Lê Thương

 


  • |
  • 1281
  • |

Các tin khác